Xe điện khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ lo lắng dù giá nhiên liệu tăng cao

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến các nước phương Tây tung các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, kéo theo giá dầu tăng mạnh, song lại khiến các nước sản xuất dầu mỏ lo lắng.

Xe điện khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ lo lắng dù giá nhiên liệu tăng cao - 1
Việc giá nhiên liệu tại nhiều quốc gia đang tăng kỷ lục có thể khiến người dùng ô tô chuyển sang xe chạy điện (Ảnh: Business Insider).

Việc giá dầu trên thế giới tăng cao sẽ là niềm vui lớn cho các nước trong Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhưng nếu nó kéo dài thì cũng gây ra nhiều lo ngại từ các quốc gia này khi người dùng có thể chuyển hướng sang dùng ô tô điện.

Bộ trưởng Iraq Ihsan Abdul Jabbar chia sẻ với New York Times rằng: "Các quốc gia thành viên OPEC và nhiều nhà sản xuất dầu khác ở Trung Đông đang rất lo ngại về khả năng này".

Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc trong ngắn hạn, nhưng sẽ không vui nếu điều này kéo dài hơn".

Hiện giá dầu đang leo thang kỷ lục sau cuộc khủng hoảng Ukraine, với giá dầu Brent đã tăng 3,8% lên 113,50 USD/thùng vào sáng ngày 18/3 và đã dao động 30% trong tuần trước, đây được cho là mức biến động mạnh nhất trong hai năm qua.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow như Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than của Nga cũng đã khiến giá xăng/dầu tại quốc gia này tăng kỷ lục.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này đã nhập khẩu 8,5 triệu thùng dầu mỗi ngày bao gồm các sản phẩm dầu thô và tinh chế như xăng và dầu sưởi vào năm 2021. Trong số này, khoảng 672.000 thùng, tương đương khoảng 8% được nhập khẩu từ Nga.

Xe điện khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ lo lắng dù giá nhiên liệu tăng cao - 2
Lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ đẩy giá khí đốt tại Mỹ lên một tầm cao mới và nới rộng khoảng cách vốn đã tồn tại giữa cung và cầu (Ảnh: Radio Canada).

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Tổng thư ký OPEC cho biết: "Không có công suất nào trên thế giới có thể thay thế 7 triệu thùng dầu mà Nga sản xuất mỗi ngày".

Xuất khẩu dầu thô của Nga chiếm khoảng 12% thương mại thế giới và 15 % đối với các sản phẩm dầu đã được tinh chế (tương đương khoảng 2,85 triệu thùng/ngày).

Chính vì thế, các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga có thể khiến Moscow trả đũa bằng cách hạn chế hoặc ngừng cung cấp hoàn toàn dầu và khí đốt cho phương Tây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga có thể phải trả giá đắt cho động thái này.

Theo Businessinsider