Vinaxuki bị bán đấu giá, giấc mơ thương hiệu Việt thành gánh nợ nghìn tỉ

Sau Vietcombank khởi kiện đòi nợ, đến lượt BIDV mới đây cũng chính thức rao bán khoản nợ lên tới hơn 1.200 tỉ đồng liên quan đến Vinaxuki...

Vinaxuki bị bán đấu giá, giấc mơ thương hiệu Việt thành gánh nợ nghìn tỉ - 1

Sản phẩm ôtô Vinaxuki “Made in Vietnam” - giấc mơ thành món nợ nghìn tỉ. Ảnh: L.Đ

 Giấc mơ gánh nợ nghìn tỉ

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng tiếp theo tìm cách xử lý dứt điểm các khoản nợ của Cty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki). Trong thông báo phát đi ngày 20/2/2020, BIDV cho biết đang lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki và Cty TNHH MTV Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên. Đây là khoản nợ được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên để xây dựng và vận hành nhà sản xuất ôtô “Made in Vietnam” từ nhiều năm trước. Giá khởi điểm của khoản nợ chưa được ấn định cụ thể, nhưng theo BIDV, chỉ tính đến giữa tháng 9/2019, tổng dư nợ gốc và lãi của khoản vay là 1.265 tỉ đồng. “Giá khởi điểm sẽ được tính bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm ngân hàng thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên” - BIDV cho biết.

Đáng chú ý, các khoản nợ trên của Vinaxuki có tài sản bảo đảm gồm một lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) với tổng diện tích 138.814m2, là nơi đặt nhà máy sản xuất của Vinaxuki. Ngoài ra, các máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên cũng được cầm cố cho khoản nợ.

Thông báo đấu giá của BIDV đối với khoản nợ của Vinaxuki không gây nhiều bất ngờ bởi dường như là “chuyện gì phải đến sẽ đến”. Trước BIDV, Vietcombank trong năm 2019 là ngân hàng đầu tiên khởi kiện Cty TNHH MTV Ôtô Vinaxuki Thanh Hóa tại Tòa án Nhân dân huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Vietcombank yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với số tiền là gần 188 tỉ đồng, trong đó bao gồm nợ gốc xấp xỉ 98 tỉ đồng; nợ lãi trong hạn hơn 78 tỉ đồng; nợ lãi quá hạn gần 11,7 tỉ đồng (tính đến 10.4.2019). Vietcombank đồng thời buộc Vinaxuki tiếp tục thanh toán lãi phát sinh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ; xử lý các tài sản bảo đảm theo các hợp đồng thế chấp đã ký kết.

Ồ ạt vay nợ, lay lắt qua ngày

Các khoản vay ở BIDV hay Vietcombank chưa phải là tất cả, dữ liệu từ Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho thấy, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cùng từng là một chủ nợ lớn của Vinaxuki bởi để bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng này, Vinaxuki phải thế chấp tới 350 bộ khuôn dập các thân vỏ xe 5 chỗ, 67 khuôn dập các chi tiết thân vỏ xe 8 chỗ và 78 bộ khuôn dập các chi tiết thân vỏ xe tải. Cũng theo dữ liệu từ Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm, liên tiếp trong năm 2012, Vinaxuki nhiều lần phải dùng đến các phiếu xuất xưởng ôtô với số lượng chỉ từ 1 chiếc, đến nhiều nhất 4 chiếc làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Vietinbank chi nhánh Chương Dương.

Trong khi các tài sản chính là nhà máy, đất đai và máy móc có giá trị lớn tại các nhà máy ở Mê Linh, Thái Nguyên đều đã được thế chấp ngân hàng, dấu hiệu cạn kiệt nguồn tiền và tài sản thế chấp của Vinaxuki ngày càng rõ rệt hơn. Đỉnh điểm là vào cuối tháng 2/2013, Vinaxuki phải dùng đến 2 xe cá nhân nhãn hiệu Mercedes làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại Vietcombank chi nhánh Thăng Long. Chưa hết, cũng trong tháng 6.2013, Vinaxuki tiếp tục phải thế chấp một xe cá nhân khác hiệu BMW X5 làm tài sản thế chấp cho khoản vay mới tại Ngân hàng Quốc tế (VIB chi nhánh Ba Đình). Cũng để bảo đảm cho khoản vay tại VIB Ba Đình, Vinaxuki còn phải thế chấp một khung nhà thép có mục đích sử dụng làm nhà xưởng tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Đây là giai đoạn căng thẳng nhất về tài chính không chỉ với Vinaxuki mà còn đối với cả cá nhân Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên. Chia sẻ về giai đoạn căng thẳng này, ông Bùi Ngọc Huyên cho biết ông phải bán hết cả nhà cả cửa, thậm chí là thế chấp cả ôtô đang đi để ngân hàng tái cơ cấu nhưng không được. “Doanh nghiệp của tôi là doanh nghiệp công nghệ cao, đáng lẽ phải được vay vốn dài hạn 9-10 năm chứ không chỉ ngắn hạn 9-12 tháng và phải được tái cơ cấu để tiếp tục vay vốn sản xuất. Nhưng khủng hoảng kinh tế, tài chính và việc các ngân hàng ngừng cho vay vốn lưu động khiến chúng tôi chết dần từ năm 2012” - ông Huyên nói.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Huyên, tính đến ngày 31/12/2012, tổng nợ của Vinaxuki vượt con số 1.400 tỉ đồng mà trong số này, chỉ có khoảng 1.000 tỉ đồng là nợ gốc và số còn lại là nợ lãi vay. Giấc mơ về một chiếc ôtô “Made in Vietnam” đầu tiên đóng lại khi các nhà máy của Vinaxuki tại Mê Linh, Thái Nguyên và Thanh Hóa lần lượt đóng cửa từ tháng 6.2015. Cho đến lúc này, những gì còn lại có lẽ chỉ là những tranh cãi pháp lý xung quanh việc thu hồi, xử lý khoản nợ hàng nghìn tỉ đồng của Vinaxuki tại các ngân hàng mà rõ ràng chưa thể khép lại trong một sớm một chiều. 

“Vay nợ đều có hợp đồng, nếu vụ việc chưa được đưa ra tòa và tòa án cũng chưa có phán quyết thì ngân hàng không thể cứ mang tài sản của tôi ra mà đấu giá được” - ông Bùi Ngọc Huyên nói với PV Báo Lao Động.

Theo Cẩm Hà

Lao động