Trung Quốc - “Mỏ vàng” của các hãng xe sang

(Dân trí) - Hãng Rolls-Royce đang tích cực mở rộng hoạt động tại Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu phô trương của một bộ phận người giàu ở nước này. Nhiều hãng xe sang khác cũng không bỏ lỡ cơ hội.

Nói tới Trung Quốc, với hầu hết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới, trước tiên đó là một thị trường lớn đầy tiềm năng. Đây là thị trường lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đã tiêu thụ 8,3 triệu xe, trong đó có 5,2 triệu ô tô con, xe thể thao việt dã (SUV) và minivan.

 

Với tốc độ tăng trưởng ổn định, năm nay nhiều khả năng tiêu thụ ô tô của thị trường này sẽ đạt 9,5 triệu xe. Đó chính là lý do tại sao General Motors (GM), Volkswagen, Toyota, cùng nhiều nhà sản xuất ô tô châu Á và phương Tây khác đều đang hướng đến Trung Quốc.

 

Rolls-Royce

 

Giữa lúc các nhà sản xuất khác tìm kiếm cơ hội với thị trường của hàng triệu hàng triệu khách hàng tiềm năng đó, Rolls-Royce lại nhìn vào một nhóm khách hàng nhỏ hơn nhiều. Chính xác là 106. Đó là số xe mà Rolls-Royce đã bán được tại Trung Quốc và Hồng Kông trong năm ngoái, trong đó 26 xe ở thị trường Hồng Kông, còn lại ở đại lục.

 

106 không phải là một con số khách hàng lớn, nhưng với Rolls-Royce, nó chiếm 10% doanh số toàn cầu. Colin Kelly, Giám đốc Rolls-Royce khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự đoán năm nay doanh số của hãng tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sẽ đạt khoảng 170 xe, vượt Anh và trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới của hãng. (Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất).

 

Hiện tại, Rolls-Royce đang tích cực mở rộng hoạt động tại Trung Quốc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Công ty gần đây đã cho mở các showroom lớn ở Hồng Kông, Bắc Kinh và Thượng Hải. Tháng trước, họ còn xác nhận là đang làm việc với các đối tác để mở rộng hoạt động tại các thành phố nhỏ hơn, như Thẩm Quyến và Hàng Châu.

 

Các nhà sản xuất khác

 

Không chỉ riêng Rolls-Royce nhìn thấy tiềm năng của thị trường xe sang Trung Quốc, một số nhà sản xuất khác cũng đang nỗ lực đẩy mạnh doanh số tại đây. Mercedes-Benz đã chọn Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2008 làm nơi ra mắt mẫu LK-Class SUV. Audi, phân nhánh sản xuất xe hạng sang của Volkswagen, cũng đã trình làng mẫu SUV mới nhất, Q5, tại Bắc Kinh.

 

Năm 2007, Ferrari đã bán được 180 xe thể thao tại Trung Quốc, tăng 48% so với năm 2006. Doanh số của một hãng xe sang khác từ Ý, Maserati, cũng tăng mạnh. Bentley tiêu thụ được tổng cộng 338 xe tại Trung Quốc trong năm ngoái, tăng 93% so với 2006.

 

Các nhà sản xuất xe sang đang tìm thấy những khách hàng đầy tiềm năng trong giới thượng lưu ngày càng gia tăng về số lượng tại Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2007 về những người giàu nhất châu Á do CapGemini và Merrill Lynch thực hiện, 38% người “cực giàu” ở châu Á, những người có tổng giá trị tài sản trên 30 triệu USD, là người Trung Quốc. Như vậy là ở Trung Quốc và Hồng Kông có khoảng 6.300 người “thừa sức” sắm một chiếc Rolls-Royce Phantom giá 400.000 USD.

 

Thuế không phải là vấn đề lớn

 

Nếu chỉ có những con số thông kê đó thì chưa đủ đảm bảo thành công cho các nhà sản xuất ô tô hạng sang. May thay, đa phần giới thượng lưu Trung Quốc thích mua những chiếc ô tô thật phô trương.

 

Thêm vào đó, các mức thuế nhập khẩu cao “ngất” cũng không phải là một rào cản lớn với đối tượng khách hàng này. Tại Mỹ, thuế chỉ khiến giá xe tăng thêm 15%, còn tại Trung Đông, gần như chẳng có thuế gì đối với ô tô. Nhưng tại Trung Quốc, các loại thuế có thể khiến giá xe tăng lên gấp đôi. Một chiếc Rolls-Royce Phantom, sau khi đóng thuế sẽ có giá lên tới 800.000 USD. Tuy nhiên, chính mức giá cuối cùng “ngất ngưởng” này lại khiến chiếc xe càng thêm hấp dẫn đối với giới thượng lưu Trung Quốc. Đơn giản vì nó nói lên rằng họ rất giàu có, và họ thực sự muốn thể hiện điều đó.

 

Nhật Minh

Theo Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm