Trung Quốc: Có ô tô chưa chắc sướng!
(Dân trí) - Tình trạng ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và thiếu chỗ đậu xe luôn là vấn đề đau đầu đối với anh Li, cũng như hàng chục triệu người có ô tô tại Trung Quốc.
Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Li Xuejun, một giáo viên trung học ở Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, đã mua chiếc ô tô đầu tiên trong đời sau khi tốt nghiệp đại học năm 2008. Tiếc là chiếc xe đem đến phiền toái nhiều hơn là sự thoải mái.
Để trách gặp tắc đường, anh phải ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ sáng trong khi công việc ở trường bắt đầu lúc 8 giờ và nếu đường thông thoáng thì từ nhà anh ở ngoại ô tới trường mất hơn 1 tiếng. Buổi chiều, khi hết việc vào lúc 5 giờ, anh thường ở lại trường thêm 1 tiếng cũng để tránh tắc đường.
Vào một buổi chiều thứ Hai bình thường trên đường Đông Triều Dương ở Trường Xuân, một trong nhiều thành phố cấp hai của Trung Quốc, từng hàng dài ô tô nhích từng chút trong khi các tài xế bấm còi inh ỏi, thể hiện họ đang ngày một mất kiên nhẫn.
Tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, nơi lượng xe đã vượt con số 4 triệu chiếc vào tháng 11 năm ngoái, ô tô không thể chạy với tốc độ thông thường như thiết kế, ngay cả trên Đại lộ Trường An với 10 làn.
“Khi mà ngày càng có thêm nhiều ô tô tại các thành phố của thị trường ô tô lớn nhất thế giới này, thì các vấn đề nổi cộm nhất là tắc đường và thiếu chỗ đậu xe,” ông Ge Baoshan, giáo sư đang nghiên cứu các nguyên lý kinh tế của ngành ô tô ở Đại học Cát Lâm, cho biết.
Thầy giáo Li Xuejun cho biết có lần anh và các bạn lái xe tới khu mua sắm vào ngày Chủ Nhật, nhưng cuối cùng phải tay không trở về vì không thể tìm được nơi đậu xe, và hành trình của họ tới khu trung tâm mua sắm mất hai tiếng đồng hồ.
Tổng số xe lưu thông trên đường của Trung Quốc là 63 triệu chiếc vào năm 2009. Theo dự báo chính thức, con số này có thể tăng lên 75 triệu trong năm nay.
Dự đoán đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực vì theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, tiêu thụ ô tô của nước này trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 9 triệu xe.
“Nguồn năng lượng hạn chế và tình trạng ô nhiễm môi trường đang khiến chúng ta lo lắng, nhưng chúng ta không thể không dùng ô tô vì mọi người có nhu cầu sử dụng và sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nó,” giáo sư Zhong Zhihua của Đại học Hồ Nam, phát biểu tại một diễn đàn trong khuôn khổ Triển lãm ô tô quốc tế Trung Quốc lần thứ 7 đang diễn ra tại Trường Xuân.
“Ô tô và quy hoạch thành phố vốn luôn mâu thuẫn. Việc xây dựng thành phố không bao giờ có thể theo kịp sự tăng trưởng về số lượng của ô tô,” ông Zheng Junkang, thị trưởng thành phố Liêu Châu, Quảng Tây, lý giải. Thách thức lớn nhất là làm thế nào cân bằng giữa năng lực đáp ứng của hạ tầng thành phố với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường ô tô. Liêu Châu là thành phố có ngành ô tô chiếm tới 43% nền kinh tế.
Theo ông Zheng, dịch vụ xe buýt nên được phát triển rộng rãi. Ông cho rằng, các thành phố không nên đặt nặng việc phân chia vai trò, chức năng khác nhau của các quận, vì như vậy sẽ tạo ra hiện tượng giờ cao điểm căng thẳng vào mỗi buổi sáng, chiều, khi tất cả mọi người hối hả đi làm vào buổi sáng và vội vã về nhà vào buổi chiều tối.
Thị trường ô tô phát triển nhanh chóng không thể là kế hoạch dài hạn, sẽ không thể tưởng tượng nổi và thiếu thực tế với Trung Quốc, theo giáo sư Ge Baoshan.
Ông cho rằng các thành phố nên đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng và thiết kế một cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
“Chiếc ô tô của tôi thậm chí đang trở thành một gánh nặng khi tôi không thể tìm được chỗ đậu xe,” thầy giáo Li than phiền. Anh nói rằng anh thực sự thấy nhớ những ngày đạp xe đi học.
Nhật Minh
Theo Xinhua