Toyota rót 900 triệu USD vào taxi bay, sẽ khai thác thương mại trong 2025?
(Dân trí) - Động thái Toyota đầu tư khoản tiền gần 900 triệu USD (khoảng 22.800 tỷ đồng) thể hiện tham vọng chuyển mình từ nhà sản xuất ô tô đơn thuần thành công ty cung cấp đa dạng giải pháp vận chuyển.
Đầu tháng 11/2024, Toyota và Joby Aviation thông báo rằng một trong ba chiếc eVTOL của họ đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Toyota Higashi-Fuji ở Nhật Bản. Chứng kiến sự kiện có ông Akio Toyoda - Chủ tịch Hội đồng quản trị Toyota Motor Corporation, cùng các quan chức ngành hàng không Nhật Bản.
eVTOL là viết tắt của cụm từ "electric vertical take-off and landing" (phương tiện cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng bằng điện), khái niệm thường xuyên gắn liền với các phương tiện phục vụ taxi bay.
Theo mô tả của Toyota và Joby, eVTOL của hãng "được thiết kế nhằm phục vụ hoạt động có tần suất cao với cự ly ngắn, phù hợp với thị trường taxi bay". Hãng cũng kỳ vọng tạo ra đột phá qua một dòng sản phẩm đáng tin cậy, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, thuận tiện sửa chữa cùng năng lực bảo vệ hành khách vượt bậc.
JoeBen Bevirt - CEO của Joby Aviation - chia sẻ: "Chuyến bay đầu tiên bên ngoài nước Mỹ đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa hình thức di chuyển trên không bằng phương tiện xanh hàng ngày". Ông cũng nói thêm rằng "cảm thấy hân hạnh khi được hợp tác với Toyota, nhà sản xuất những chiếc xe chất lượng được tin dùng trên toàn cầu, và rất trông chờ vào việc biến ước mơ thú vị này thành sự thật cùng nhau".
Sự kiện bay trình diễn tại "xứ Phù Tang" diễn ra chưa đầy một tháng sau khi thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới quyết định rót thêm 500 triệu USD nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất thương mại những chiếc eVTOL và cấp đầy đủ chứng nhận cho phép triển khai mô hình taxi bay, nâng tổng mức đầu tư của Toyota vào Joby Aviation lên 894 triệu USD.
Chưa dừng lại ở đó, Toyota còn cung cấp đội ngũ kỹ sư, ứng dụng hệ thống sản xuất trứ danh Toyota Production System (TPS) vào dây chuyền của công ty khởi nghiệp đến từ Mỹ và chế tạo cả những thành tố động cơ quan trọng cho máy bay của Joby.
Đối với Toyota, đây là bước đi cần thiết và đóng góp không nhỏ vào mục tiêu chuyển đổi vai trò từ nhà sản xuất ô tô đơn thuần sang một công ty cung cấp đa dạng giải pháp di chuyển.
Ông Akio Toyoda từng bày tỏ sự phấn khích của mình khi Toyota và Joby xác lập mối quan hệ hợp tác đặc biệt này: "Vận chuyển bằng đường hàng không được xác định là mục tiêu dài hạn của Toyota. Chúng tôi sẵn sàng đối đầu thử thách không hề nhỏ này và luôn xác định tiềm năng cách mạng hóa phương thức đi lại và cuộc sống của con người trong tương lai. Thông qua nỗ lực hợp tác mới mẻ và thú vị này, Toyota hy vọng sẽ mang đến sự tự do trong đi lại và niềm vui cho người dùng ở muôn nơi, dù ở mặt đất hay trên bầu trời".
Về thông số kỹ thuật, eVTOL do Joby Aviation phát triển và hoàn thiện được trang bị 6 mô-tơ, sản sinh công suất 236kW (tương đương 316 mã lực) và mô-men xoắn cực đại 1.800Nm, mô-men xoắn có thể duy trì liên tục là 1.380Nm. Tầm bay tối đa sau mỗi lần sạc đầy được công bố là 160km, song chính Joby Aviation đã ghi nhận con số 249km trong một lần bay thử nghiệm thực tế.
Hãng đặc biệt tự tin và liên tục nhấn mạnh vào mức độ yên tĩnh của sản phẩm "đầu tay" của mình. Thậm chí, Joby đã cùng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đo đạc và xác nhận độ ồn do eVTOL tạo ra ở vận tốc hơn 185km/h, độ cao 500m so với mực nước biển là chỉ 45,2 dBA - thấp hơn gấp 100 lần so với các mẫu trực thăng dân dụng phổ biến có cùng cân nặng, hay cả mức 50 dBA mà một cuộc trò chuyện thông thường phát ra.
Joby Aviation được đánh giá là start-up tiềm năng nhất trong lĩnh vực taxi bay thuần điện. Trong giai đoạn 2023-2024, hãng đã xuất xưởng thành công chiếc eVTOL đầu tiên và bàn giao cho lực lượng Không quân Hoa Kỳ - một phần trong hợp đồng 131 triệu USD (tương đương 3.187 tỷ đồng), cũng như trở thành đơn vị đầu tiên vận hành taxi bay trên bầu trời thành phố New York (Mỹ).
Joby cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ đưa đón khách từ nhà đến sân bay với Delta Air Lines - hãng hàng không lớn thứ hai tại Mỹ, và đề án triển khai tại Hàn Quốc cùng đối tác là SK Telecom, nhà mạng hàng đầu quốc gia này.
Cuối tháng 12, Joby tiết lộ rằng họ đã hoàn thành 3 trên 5 bước cần thiết để đạt được chứng nhận khai thác chính thức taxi bay, đồng thời đẩy nhanh phần việc còn lại nhằm kịp khai trương đường bay thương mại tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) trong cuối năm 2025.
Toyota không phải là cái tên duy nhất "nhảy vào" lĩnh vực ô tô bay. Hyundai đã ra mắt concept (ý tưởng) taxi bay S-A2 tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas vào đầu năm ngoái, dự kiến sẽ có phiên bản sản xuất thực tế vào năm 2028. Mẫu Xpeng X2 eVTOL của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay ra mắt đầu tiên vào năm 2023, ngay sau khi tập đoàn Stellantis tuyên bố sẽ mở rộng quan hệ đối tác với Archer Aviation và sẽ chế tạo máy bay Midnight tại Covington, bang Georgia (Mỹ).