Kinh nghiệm lái xe
Tóm gọn xe đi ngược chiều trên đường cao tốc
(Dân trí) - Hệ thống quản lí giao thông đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã ghi lại toàn bộ hình ảnh chiếc Ford Ecosport đi ngược chiều ngay trong ngày đầu tiên của kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bất chấp dòng xe cộ đông đúc đi với tốc độ cao.
Cụ thể, vào lúc 12h20 ngày 27/04/2019, qua hệ thống camera giám sát, trung tâm điều hành đã phát hiện xe BKS 30E-87708 đi ngược chiều từ Km30 về TTP QL39 hướng Hà Nội đi Hải Phòng. Trung tâm điều hành đã tiến hành khóa thẻ đối với xe BKS 30E-877.08, đồng thời phối hợp với lực lượng CSGT C08 để xử lý.
Tuy nhiên, khi xe BKS 30E-87708 tới TTP QL39 thì lái xe không chấp hành hiệu lệnh của đơn vị quản lý và tiếp tục đi lùi xe vào đường cao tốc rồi tiếp tục đi theo hướng Hà Nội đi Hải Phòng.
Hiện nay, xe BKS 30E-87708 đã bị giữ lại ở TTP QL38B.
Những lỗi tài xế hay mắc phải trên đường cao tốc
Nhập làn vào đường cao tốc quá sớm là lỗi rất nhiều người mắc phải do nóng vội. Sự chênh lệch lớn về tốc độ khi bạn chuẩn bị nhập làn cao tốc với xe đang đi trong cao tốc khiến phán đoán tình huống va chạm và của bạn nhiều khi không chính xác. Chính vì vậy, hãy cố gắng đạt tốc độ tối thiểu dành cho cao tốc trước khi nhập làn (khoảng 60 km/h) để hạn chế tai nạn. Tất nhiên, nếu đằng sau không có xe thì bạn hoàn toàn thoải mái, nhưng về lâu dài, hãy tập cho mình thói quen tốt này.
Luôn phải sử dụng đèn báo rẽ khi chuyển làn vì sự an toàn của chính mình.
Chuyển làn không bật đèn báo rẽ là một lỗi sơ đẳng của rất nhiều tài xế. Hành vi này nếu xảy ra trên cao tốc rất dễ để lại những tại nạn khủng khiếp, khác hẳn với những vụ va chạm nho nhỏ trong đô thị.
Nên chuyển từng làn đường để các phương tiện khác hiểu được ý định của bạn trên đường.
Chuyển nhiều làn đường cùng lúc không phải là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng sẽ an toàn cho bạn nếu chuyển tuần tự từng làn đường để giúp các phương tiện phía sau có thể hiểu được chủ định của bạn trên đường, tránh được sự lúng túng trong các tình huống lái xe tốc độ cao.
Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc Dầu Giây vì không giữ tốc độ.
Không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Bạn có biết, với tốc độ 80 km/h, một chiếc xe 5 chỗ phải cần khoảng 25 m để dừng lại khi đạp phanh khẩn cấp, và quãng đường này sẽ dài hơn nếu bạn đang lái một chiếc xe to hơn, tốc độ đi nhanh hơn. Chính vì vậy, muốn an toàn, hãy nhớ đến việc giữ khoảng cách an toàn theo chỉ dẫn trên các con đường cao tốc.
Việc đi giữa hai làn đường là một hành vi lái xe thực sự nguy hiểm trên cao tốc.
Đi trên hai làn đường là điều không thể tránh khỏi trong khu dân cư, do mật độ phương tiện cũng như điều kiện lưu thông; nhưng về lâu dài, sẽ ảnh hưởng kỹ năng lái xe của mỗi người và thực sự là “tai hoạ” nếu bạn áp dụng trên đường cao tốc.
Cho dù bạn đi với tốc độ tối đa cho phép, nhưng nếu có thể, hãy bỏ làn ngoài cùng bên trái để giữ an toàn cho mình.
Đi tốc độ chậm trên làn đường bên trái: Nhiều người cho rằng nếu xe chạy ở tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc thì đi ở làn trái, ai muốn đi nhanh hơn thì cứ việc vượt ở bên trong. Bạn không sai, nhưng nếu muốn giữ cho mình sự an toàn ở cuối con đường, đừng tự cho mình trách nhiệm phán xét người khác đi sai (quá tốc độ). Bạn có thực sự khoan khoái khi ngăn cản những tài xế lên cơn say tốc độ đang lao tới? Hãy tập cho mình thói quen chỉ dùng làn ngoài cùng bên trái để vượt.
Việc các phương tiện đi quá gần nhau, dù không cùng một làn đường cũng là hành vi không nên, nhất là trên cao tốc.
Đi quá gần với xe ở làn bên cạnh, dù không vi phạm luật, nhưng vô tình khiến các xe khác muốn vượt gặp một tình huống có khả năng cao sẽ gây ra tai nạn khi phải lách qua hai xe đi gần nhau. Nên nhớ, trên đường cao tốc, giữ an toàn cho mình nhiều khi cũng đồng hành với việc giữ an toàn cho xe khác.
Hãy để làn khẩn cấp dành cho các trường hợp khẩn thiết như cấp cứu, cứu hộ...
Dừng xe trên làn khẩn cấp là việc khá nhiều lái xe Việt Nam vẫn làm do hiểu nhầm (vô tình hoặc cố ý) chức năng của làn khẩn cấp. Đây là hành động hoàn toàn sai và gây mất an toàn cho chính mình; hãy chú ý các điểm dừng chân trên cao tốc hoặc các đoạn được được phép dừng xe (có biển báo) đủ an toàn.
Hãy xác định điểm đến của mình để không đi quá lối rẽ.
Không chú ý biển hiệu nên đi quá lối rẽ sẽ khiến bạn phải đi thêm hàng chục km để đến lối rẽ tiếp theo, điều này không chỉ khiến bạn thiệt hại về kinh tế, thời gian mà còn khiến bạn bị ảnh hưởng tâm lí trên cả quãng đường còn lại. Hãy tìm hiểu lối cần rẽ trên cao tốc để không bị vướng vào tình huống này.
Quay đầu đi ngược chiều trên cao tốc không khác hành vi tự sát.
Quay đầu xe trên cao tốc là hậu quả của việc không tìm hiểu thông tin, đi quá lối rẽ trên cao tốc. Nếu như lựa chọn đúng là đi tiếp đến lối ra tiếp theo thì không ít tài xế Việt Nam lựa chọn một cách “không thể sai lầm hơn” khi cố tình quay đầu để đi ngược chiều trên cao tốc. Hành vi này không khiến bạn về đích nhanh mà chỉ giúp bạn đến gần… bệnh viện hơn mà thôi.
Việt Hưng