Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022: Thêm nhiều lựa chọn nhưng... thiếu xe

Nhật Minh

(Dân trí) - Năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự ra mắt của nhiều sản phẩm mới; trong đó, xe điện nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, nguồn cung không ổn định đã dẫn tới tình trạng loạn giá.

Hàng loạt xe mới ra mắt, xe điện hóa "chiếm sóng"

Sau hai năm gần như "đóng băng" do dịch bệnh Covid-19, thị trường ô tô Việt Nam đã sôi động trở lại, đón nhận nhiều mẫu xe mới. Đối với xe lần đầu tiên ra mắt, có thể kể tới những cái tên như bộ đôi Toyota Avanza Premio và Veloz Cross, MG5, Ford Territory, hay Kia K3 2.0... Đối với thế hệ hoàn toàn mới của các xe đã có mặt trên thị trường từ trước, đáng chú ý có Honda Civic 2022, Ford Ranger 2023, Hyundai Elantra 2023, và Kia Carens 2023,...

Đặc biệt trong năm 2022, phân khúc xe "xanh" có bước ngoặt lớn với sự xuất hiện của một loạt sản phẩm sử dụng động cơ điện (một phần hoặc toàn phần), gồm Hyundai Ioniq 5, Kia Sorento Hybrid, Nissan Kicks, Suzuki Ertiga Hybrid, cùng với "trọn bộ" VinFast VF e34, VF8 và VF9...

Tại Triển lãm ô tô Việt Nam, gần một nửa trong tổng số 14 thương hiệu tham gia mang xe điện tới trưng bày và chào bán. Đây không phải lần đầu tiên xe điện về Việt Nam nhưng là lần "ra quân" rầm rộ nhất.

Trước đó, trên thị trường đã có mẫu Porsche Taycan chạy điện thuần túy, cùng một số xe hybrid của Toyota và Lexus, nhưng được giới thiệu rải rác, không đa dạng và sản phẩm chưa được truyền thông mạnh mẽ.

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022: Thêm nhiều lựa chọn nhưng... thiếu xe - 1
VinFast VF e34 là mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: VinFast).

Trong năm 2022, công tác truyền thông xe "xanh" từ các hãng được chú trọng hơn, đặc biệt là VinFast và Toyota. Cùng với đó là chính sách miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện từ ngày 1/3 theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP. Chính sách này hứa hẹn sẽ có tác dụng vừa kích cầu vừa kích cung trên thị trường ô tô điện trong ít nhất là 3 năm, khi một mặt khuyến khích người mua xe lựa chọn ô tô điện, mặt khác tạo động lực để các hãng đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, lắp ráp và phân phối thêm nhiều mẫu ô tô điện về Việt Nam, mở rộng sự lựa chọn cho khách hàng.

Trong hai năm tiếp theo, tức là từ 1/3/2025, mức thu lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu với ô tô điện sẽ bằng 50% mức thu với xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Có thêm nhiều lựa chọn đa dạng, có chính sách ưu đãi, có sự thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, công nghệ ngày càng hoàn thiện, trong khi giá xăng dầu ngày một tăng cao,... tất cả sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ô tô điện tại Việt Nam trong thời gian tới. Thiên thời địa lợi nhân hòa, cơ sở hạ tầng trạm sạc sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của xe điện.

Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nước ta sẽ đạt mức 1 triệu xe sử dụng năng lượng điện (EV) vào khoảng năm 2028 và có sự tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2030-2040, và đến năm 2040 sẽ có khoảng 3,5 triệu ô tô điện lưu hành.

Nhiều mẫu xe dừng bán tại Việt Nam

Cùng với sự xuất hiện của hàng loạt xe mới ra mắt trong năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam cũng chia tay không ít xe, với nhiều lý do khác nhau. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với xung đột quân sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gây nhiều xáo trộn và đình trệ trong hoạt động sản xuất ô tô. Tình hình khó khăn khiến các hãng phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, và danh mục sản phẩm cho phù hợp.

Với các xe như Ford EcoSport, Honda Brio, Toyota Granvia, Toyota Rush, hay Toyota Wigo, nguyên nhân dừng bán tại Việt Nam là sản phẩm không còn phù hợp với thị hiếu, giá bán cũng không thực sự hấp dẫn so với các đối thủ cùng phân khúc nên doanh số thấp. Trong khi đó, với các mẫu xe xăng của VinFast, việc dừng sản xuất không phải do doanh số thấp, mà do sự thay đổi chiến lược sản phẩm của thương hiệu ô tô Việt.

Tương tự trường hợp các mẫu xe xăng của VinFast, việc Hyundai Kona bị dừng sản xuất và phân phối tại Việt Nam không phải do bản thân sản phẩm, mà theo giải thích của Thành Công Group là do thiếu linh kiện. Đây là một trong những trường hợp đáng tiếc nhất, vì Kona từng luôn dẫn đầu phân khúc xe gầm cao hạng B trong một thời gian dài, trước khi Kia Seltos xuất hiện.

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022: Thêm nhiều lựa chọn nhưng... thiếu xe - 2
Sự xuất hiện của Hyundai Kona vào năm 2018 đã khiến Ford EcoSport bị lu mờ (Ảnh: TC Group).

Một trường hợp khác cũng khá đáng tiếc là Toyota Hilux. Mẫu xe bán tải này bị dừng bán do Toyota lo ngại nguồn cung nhiên liệu diesel đạt chuẩn Euro5 tại Việt Nam còn hạn chế, có thể gây bất tiện cho người sử dụng xe. Ngoài ra, nếu chủ xe sử dụng không đúng loại nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro5 thì dễ dẫn đến các vấn đề về kỹ thuật ở động cơ.

Khan hiếm xe trên diện rộng, khách phải mua chênh giá

Nếu như trước đây, việc chênh giá chỉ xuất hiện ở một vài thương hiệu, một vài mẫu xe "hot" mới ra, thì trong năm 2022, sự đứt gãy nguồn cung ứng toàn cầu đã khiến khách mua xe của hầu hết các thương hiệu đều phải xếp hàng và/hoặc chấp nhận mức chênh giá từ vài chục cho tới cả tỷ đồng. Mọi phân khúc đều có hiện tượng đại lý bán xe chênh giá, như Toyota Raize và Vios ở phân khúc phổ thông; Hyundai Tucson, Ford Everest hay Territory thuộc phân khúc tầm trung; và đỉnh cao thuộc về mẫu SUV hạng sang Lexus LX600 mới, với mức chênh giá lên tới 4 tỷ đồng.

Đối với việc đại lý bán xe kiểu "bia kèm lạc", các nhà sản xuất đều khẳng định không có chủ trương này, còn tình trạng khan hiếm xe được giải thích do khó khăn về nguồn cung và khủng hoảng thiếu chip bán dẫn toàn cầu. Có hãng thậm chí tuyên bố sẽ mạnh tay xử lý đại lý bán chênh giá nếu nhận được phản hồi của khách hàng; tuy nhiên, thực tế tại nhiều đại lý, tình trạng này vẫn tiếp diễn.