Điểm tin tuần qua:
Thị trường loạn giá đầu năm, ô tô "Made in Việt Nam" tới tấp lên báo Tây
(Dân trí) - Thị trường ô tô loạn giá đầu năm mới, báo Nhật đưa tin về doanh số xe xăng của VinFast, ô tô tự chế của Việt Nam liên tiếp lên báo Tây... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Nhiều mẫu ô tô khan hàng, "loạn giá" tại đại lý
Nếu như trong những năm trước, sức mua ô tô vào thời điểm sau Tết Nguyên đán thường thấp, thì năm nay, sức mua ô tô vẫn đang khá tốt. Nguyên nhân là sức hấp dẫn từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước sẽ chỉ áp dụng đến hết tháng 5. Tuy nhiên, với xe nhập khẩu, tình trạng khan hàng do nguồn cung hạn chế đã dẫn tới việc nhiều khách muốn nhận xe sớm phải chấp nhận mua cao hơn giá đề xuất vài chục triệu đồng.
Cụ thể, Santa Fe đang "cháy hàng" tại hầu hết các đại lý. Ở Hà Nội, một đại lý đã báo giá mẫu SUV 7 chỗ này cao hơn 20-40 triệu đồng so với mức công bố của Hyundai, còn nếu muốn mua đúng giá đề xuất của hãng thì khách hàng phải đợi 2-3 tháng.
Cùng thuộc thương hiệu Hyundai, mẫu Tucson cũng đang được các đại lý chào bán với giá chênh khoảng 20-40 triệu đồng; bản 1.6 Turbo thậm chí còn được "hét giá" chênh tới 60 triệu đồng. Với mẫu crossover hạng C này, nếu khách muốn mua theo mức công bố của nhà sản xuất thì cần đặt cọc và được hẹn giao xe sau 1-2 tháng.
Dù không phải xe lắp ráp trong nước, được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ như Hyundai Santa Fe và Tucson, nhưng Toyota Raize cũng đang trong tình trạng cầu vượt cung. Hiện nay, lịch giao xe sớm nhất cũng phải đến tháng 3, ngay cả khi khách đã chấp nhận chi thêm khoảng 20 triệu đồng.
Xem thêm: Hyundai Tucson 2022 "loạn giá" tại đại lý, có nơi bán chênh 60 triệu đồng
Khan hàng hiện không phải là câu chuyện của riêng thị trường ô tô Việt Nam. Khảo sát mới đây của trang iSeeCars cho thấy tại Mỹ hiện nay xe đã qua sử dụng một vài năm (phiên bản 2020 hoặc 2021) có giá trung bình cao hơn 1,3% so với xe mới cùng loại. Đỉnh cao là dòng Mercedes-Benz G-Class "hàng lướt" có giá đắt hơn hẳn 35,6% so với xe mới, tương đương 62.705 USD. Lý do là cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu và đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ô tô.
MG5 chính thức ra mắt tại Việt Nam
Đây là mẫu xe thứ 3 của thương hiệu gốc Anh quốc cho khách hàng trong nước, bên cạnh hai mẫu xe gầm cao là MG HS và ZS.
Mẫu sedan hạng C này sẽ được phân phối trong tháng 3 tới với phiên bản cao cấp giá dự kiến 585 triệu đồng, trong khi bản tiêu chuẩn chưa có thông tin cụ thể.
Chậm chân hơn các đối thủ như Kia K3, Hyundai Elantra, Mazda3 hay Toyota Corolla Altis, tân binh MG5 chọn hướng tiếp cận khách hàng bằng diện mạo thể thao, trẻ trung. Xe được trang bị động cơ 1.5L công suất 112 mã lực và mô-men cực đại 150Nm, kết hợp với hộp số CVT giả lập 8 cấp số. Theo công bố, MG5 có tốc độ tối đa 180 km/h.
Báo Nhật đưa tin doanh số xe xăng của VinFast
Ngày 8/2, tờ Nikkei của Nhật đã gây chú ý với bài viết về tình hình doanh số xe xăng của VinFast. Theo đó, Vingroup lỗ trước thuế khoảng 23,9 nghìn tỷ đồng (1,05 tỷ USD) ở mảng sản xuất trong năm ngoái, do doanh số xe xăng thấp và việc tập đoàn tăng cường đầu tư vào lĩnh vực xe điện.
Trong năm 2021, VinFast đã bán được tổng cộng 35.723 ô tô, gồm 24.128 xe Fadil, 6.330 xe Lux A2.0, 5.180 xe Lux SA2.0 và 85 xe điện VF e34. Con số này tăng trưởng hơn 21%, giúp VinFast trở thành hãng xe bán chạy thứ 4 tại Việt Nam, xếp sau Hyundai, Toyota và Kia.
Tuy nhiên, VinFast đã có tháng thứ hai liên tiếp giảm doanh số, đạt 2.103 xe trong tháng 1, giảm gần 1.000 xe so với tháng trước đó, trong bối cảnh thiếu linh kiện.
Hãng cho biết một số linh kiện nhập khẩu về nước chậm hơn so với kế hoạch nên chỉ có 40 xe điện được hoàn thiện và tới tay khách hàng trong tháng 1, chưa bằng một nửa so với tháng trước đó. VinFast khẳng định sẽ giải quyết vấn đề này để tăng lượng xe VF e34 bán ra trong tháng tới.
Xem thêm: Doanh số VinFast như thế nào sau tuyên bố dừng sản xuất xe xăng?
Ô tô tự chế của thợ Việt liên tục lên báo Tây
Trong vòng chưa đến một tuần, hai kênh Youtube của người Việt đã nối nhau xuất hiện trên các chuyên trang ô tô của nước ngoài. Đầu tiên là chiếc xe nhái Bugatti Chiron được hoàn thiện sau khoảng một năm nhóm bạn trẻ ở Quảng Ninh bắt tay vào làm. Trang Carscoops của Mỹ đã đăng video dài 45 phút cho thấy toàn bộ các công đoạn khá kỳ công để dựng nên chiếc siêu xe nhái trông khá ấn tượng về mức độ hoàn thiện.
Khi thông tin về chiếc Bugatti Chiron tự chế này còn chưa kịp "nguội", một sản phẩm khác lại xuất hiện; đó là mô hình chiếc Mercedes-Benz G500 4x4² làm bằng gỗ, đến từ kênh Woodworking Art cũng trên Youtube.
Dù chỉ là xe mô hình cỡ nhỏ, nhưng chiếc G-Class được làm tỉ mỉ từng chi tiết, như cầu, khoang động cơ, giảm xóc, lốp dự phòng... ở bên ngoài, cho tới các bộ phận nội thất, như ghế ngồi bọc da may chần trám, táp-lô, và vô-lăng.
Xem thêm: Ô tô tự chế của người Việt liên tục lên báo Tây
Vài năm trở lại đây, các kênh Youtube của thợ Việt là địa chỉ ghé thăm thường xuyên của những người thích đồ thủ công không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài. Clip ghi lại quá trình chế tác mô hình xe bằng gỗ, bằng bìa carton, hoặc thậm chí đất sét của các kênh này từng xuất hiện trên một số chuyên trang ô tô nổi tiếng của Mỹ như Carscoops, TopSpeed, Motor1...