Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Tất cả những ai trực tiếp có mặt trên đại lộ Pennsylvania để theo dõi lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Barack Obama đều bị ấn tượng mạnh bởi chiếc Cadillac limousine mang biệt danh “Ác thú” mà giới hâm mộ ô tô gọi là “xe tăng 4 bánh”.

 

Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ - 1

 
Xe limo của tân tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn rất nặng. Trọng lượng chính xác là bao nhiêu? Cả GM và Mật vụ Mỹ đều không tiết lộ, nhưng có thể đoán chừng, khi chiếc xe sử dụng bộ lốp Goodyear Regional RHS. Đó là loại thường được dùng cho các xe việt dã hạng trung và hạng nặng. Giới mê xe dự đoán trọng lượng xe vào khoảng 10 tấn (!).

 

Tất cả những ai quan tâm đến chiếc xe này đều biết rằng cửa xe dày tới 20cm, có khả năng chống đạn - theo chuẩn quân đội, còn bộ lốp RHS nói trên là loại Run-flat - tức là có thể cho phép xe chạy thêm vài chục km ngay cả khi đã bị bắn thủng. Cửa kính xe cũng dày tới 15cm.

 

Chiếc limo đủ chỗ cho 7 người ngồi, tính cả tổng thống. Ghế lái và ghế phụ ở cabin được ngăn cách với khoang sau bởi một tấm kính. Hàng thứ hai là 3 ghế quay mặt về phía sau, còn hàng thứ 3 có hai ghế - một cho tổng thống và một cho người khác. Hai ghế này có thể điều chỉnh độc lập. Giữa hai hàng ghế ở khoang sau có một mặt bàn gấp.

 

Chiếc xe mang biệt danh “Ác thú”, hay “xe tăng 4 bánh” này, kế thừa những gì tốt nhất từ những chiếc limousine làm riêng cho thổng thống Mỹ trong suốt 70 năm qua.

 

Chiếc limousine đầu tiên không phải xe tiêu chuẩn trên thị trường là chiếc xe được làm cho tổng thống Franklin Roosevelt vào năm 1939, mang biệt danh “Sunshine Special” (Ánh dương), vì mui xe gần như lúc nào cũng mở.

 
Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ - 2
 

Mẫu xe này do công ty Brunn & Co. chế tạo, với mục tiêu là đem lại sự an toàn và tiện nghi cao. Với chiều dài cơ sở hơn 4m, xe ‘Sunshine Special’ có thân bọc thép, bộ cửa sau ngoại cỡ mở lật ra sau (giống những chiếc Rolls-Royce của người Anh) và được lắp kính chống đạn.

 

Ngày 8/12/1941, một ngày sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Mật vụ Mỹ đã dùng chiếc limousine bọc thép từng thuộc sở hữu của ông trùm mafia Al Capone để đưa tổng thống tới đồi Capitol đọc bài diễn văn “Quốc hận” nổi tiếng. Chiếc xe đã bị Bộ Tài chính Mỹ tịch thu từ sau vụ bắt Al Capone và được cất giữ trong một bãi xe mãi cho tới ngày này.

 

Không có thông tin nào được xác nhận chính thức, nhưng người ta vẫn truyền tai nhau rằng sau khi Roosevelt qua đời, tổng thống Harry S. Truman không ưa sản phẩm của GM, vì ông từng bị từ chối sử dụng xe của nhà sản xuất ô tô này trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1948. Do đó, ông cho thay chiếc Cadillac ‘Sunshine Special’, mở ra thời huy hoàng của thương hiệu Lincoln - thuộc tập đoàn Ford.

 
Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ - 3
 

Ford được đặt hàng sản xuất một chiếc Lincoln Cosmopolitan 1950 kiểu limousine (với chiều dài cơ sở 3,7m) và Mật vụ Mỹ mua chiếc xe với giá như các khách hàng thông thường khác. Vẫn là kiểu xe mui xếp để thuận tiện cho việc phục vụ tổng thống trong các lễ diễu hành trên đường phố, nhưng mẫu Lincoln này đã có một số thay đổi vào năm 1954, với phần mui sau trong suốt. Kiểu mui này được thiết kế thể theo yêu cầu của tổng thống Dwight Eisenhower, sau một lần ông gặp mưa ở Richmond. Khi đó, mui xe được nâng lên khiến những người đứng hai bên đường không thể nhìn thấy tổng thống.

 
Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ - 4
 

Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến chiếc Lincoln Continental 1961 mui xếp 4 cửa của tổng thống John F. Kennedy mà ông dùng khi bị ám sát vào ngày 22/11/1963. Chiếc xe có tên gọi X-100, được xem như một trong những chiếc limousine tổng thống đẹp nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chiếc xe được công ty Hess & Eisenhardt ở Ohio “độ” từ một chiếc Lincoln Continental đời 1961, kéo dài thêm hơn 80cm cho ra dáng limousine. Tuy nhiên, chiếc xe không có khả năng chống đạn.

 

Đai kim loại ở ngay phía sau ghế lái là chỗ để tổng thống nắm vào khi đứng lên trong các lễ diễu hành (như Kennedy đã làm trong chuyến công du Đức vào mùa hè năm 1963). Ngoài ra, có thể nâng cao hàng ghế sau để đám đông nhìn thấy tổng thống rõ hơn. Động cơ là loại V8.

 

Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ - 5
 
Sau thảm kịch ở Dallas, chiếc xe được bọc thép chống đạn; hàn mui kín; trang bị nội thất mới, điều hoà hiện đại hơn, hệ thống thông tin liên lạc điện tử, kính chống đạn; sơn sửa lại bên ngoài để xoá dấu vết của vụ ám sát.

 

Sau nhiều thập kỷ bị Lincoln chiếm chỗ, Cadillac trở lại phục vụ Nhà Trắng vào đầu thập niên 80, dưới thời tổng thống Reagan. Đó là cặp hai chiếc Fleetwood đời 1983, cũng do công ty Hess & Eisenhardt ở Ohio “độ”. Vì là lần đầu tiên xử lý dòng Fleetwood của Cadillac, nên Hess & Eisenhardt chỉ kéo dài xe thêm hơn 40cm và nâng nóc cao thêm gần 8cm.

 

Dù hình thức không được đẹp lắm, nhưng hai chiếc Fleetwood cho tổng thống ngồi bên trong tầm quan sát khá tốt, nhờ có cửa sổ lớn nhưng an toàn vì làm bằng kính chống đạn dày 60 li.

 

Khi “nghỉ hưu”, một trong hai chiếc Fleetwood được trả lại cho GM, tập đoàn mẹ của Cadillac. Sau này, vào năm 1993, GM cho đoàn làm phim “Trong tầm lửa đạn” (In the Line of Fire) mượn. Chiếc còn lại được đem trưng bày tại Thư viện tổng thống Reagan ở tiểu bang California.

 

Chiếc limousine của tân tổng thống Obama là an toàn nhất, xét về kết cấu và các trang thiết bị. Nó có thể vô hiệu hoá hầu hết các cuộc tấn công hoá học và sinh học, cũng như các âm mưu tấn công bằng lựu đạn. Người ta còn đồn đại rằng chiếc xe mang theo cả chục máy phát điện.

 
Tản mạn về limousine của tổng thống Mỹ - 6
 

“Không một xe nào có thể sánh được với chiếc xe này,” người phát ngôn David Caldwell của Cadillac nói.

 

Nhật Minh

Theo Detroit News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm