Sau Tết đường lại thông thoáng, còn ai "đổ lỗi" ùn tắc do Nghị định 168?

PV

(Dân trí) - Những ngày sát Tết, nhiều tuyến phố ở trung tâm ùn tắc và không ít người cho rằng do tác động của Nghị định 168. Nhưng sau Tết đường phố thông thoáng, lý do là gì? (Độc giả Minh Tú).

Gần đây, Nghị định 168 đã trở thành tâm điểm chú ý trong dư luận khi nhiều người cho rằng, chính sách này là nguyên nhân khiến tình trạng tắc đường trở nên nghiêm trọng trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết, tình hình giao thông lại thông thoáng. Vậy, liệu Nghị định 168 có thực sự gây ra tắc đường, hay đây chỉ là sự trùng hợp về thời điểm?

Công bằng mà nói, trước Tết Nguyên đán năm nào thì đường phố tại nước ta cũng trở nên đông đúc. Người dân thường đổ xô đi mua sắm, chúc Tết, chuẩn bị sắm Tết, hoặc di chuyển về quê. Ngoài ra, khi Tết đến gần, ai cũng tất bật muốn làm thật nhanh, đi xong về sớm càng làm gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông.

Sau Tết đường lại thông thoáng, còn ai đổ lỗi ùn tắc do Nghị định 168? - 1

Việc chấp hành đèn tín hiệu giao thông đã tốt lên sau Nghị định 168 (Ảnh: Mạnh Quân).

Và cũng phải kể thêm rằng ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, hệ thống giao thông vốn đã thường xuyên trong tình trạng quá tải. Khi nhu cầu tăng cao đột ngột, việc tắc đường là điều khó tránh khỏi. Ùn tắc mỗi năm thêm trầm trọng (nếu không có các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng).

Rõ ràng tình trạng tắc đường trước Tết không phải hiện tượng mới và không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Nghị định 168. Tuy nhiên, quy định mới này có hiệu lực từ 1/1/2025, rơi trùng vào tháng cuối năm âm lịch nên tôi cho rằng đây trở thành nguyên nhân gây hiểu lầm, hoặc cố tình "đổ lỗi" cho Nghị định 168.

Đương nhiên, tôi cho rằng quy định mới không hoàn toàn giúp cho đường phố thông thoáng, như những ngày đầu năm này. Nhưng có thể thấy Nghị định 168 với việc tăng mức xử phạt đã giúp tăng sức răn đe mà nhờ vậy giao thông trở nên quy củ hơn, trật tự hơn. Điều này góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Theo thống kê trong đợt đầu thực hiện, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt là nhóm các vi phạm dễ dẫn tới tai nạn giao thông như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%, vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe giảm 34,5%.

Tình hình tai nạn giao thông cũng đã có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Đang quen với tự do, giờ phải vào khuôn khổ, không phải ai cũng quen ngay được. Nhưng nếu cứ mãi "tự do vô kỷ luật" như vậy thì khó lòng mà phát triển được, nói gì tới vươn tầm thế giới. Đương nhiên, mỗi quy định mới sẽ cần thời gian và cả những điều chỉnh khác để đồng bộ, nhưng mong rằng mọi người sẽ nhìn vào mặt tích cực để đón nhận và chấp hành.

Độc giả Minh Tú

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.