Sau mưa lũ ở Nghệ An, những ô tô bị ngập nước là coi như "vứt bỏ"?
(Dân trí) - Nếu bị ngập nước, chắc chắn là ô tô mất giá trị, nhưng việc mất giá đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ ngập nước và tình trạng của xe.
Khi ô tô không may bị ngập nước, nhẹ nhất là xe bị ẩm mốc, nặng hơn là trục trặc hệ thống điện, nặng hơn nữa là nước ngập vào khoang động cơ, cần "bổ máy" để khắc phục, và nặng nhất là xe bị ngâm nhiều giờ hoặc vài ngày trong nước, có thể ảnh hưởng tới hệ thống khung gầm.
Nếu chủ xe biết cách phòng tránh, xe chỉ bị ngập nhẹ thì sau khi dọn vệ sinh nội thất, kiểm tra thay dầu máy, vệ sinh các loại lọc gió, điều hòa và kiểm tra gầm sàn là ô tô có thể hoạt động trở lại như bình thường, không bị giảm giá trị.
Với xe bị ngập nước nặng hơn, tùy trường hợp cụ thể sẽ có cách xử lý khác nhau, không phải mọi chiếc xe bị ngập máy đều trở thành "đồ bỏ".
Ngày nay, hầu hết chủ ô tô đều đã được trang bị những kiến thức cần thiết khi lái xe mùa mưa bão, đủ để không dại dột khởi động lại xe nếu không may ô tô bị chết máy khi đi vào chỗ ngập. Việc này sẽ tránh cho chủ xe khỏi thiệt hại lớn do cong/gãy tay biên, hoặc thậm chí vỡ lốc máy.
Tuy nhiên, dù bị ngập nhẹ hay nặng, ô tô đều cần được kiểm tra và xử lý ngay sau đó mới có thể hoạt động trở lại như bình thường. Phần lớn các chủ xe sẽ giao khoán việc này cho các gara. Dù vậy, nếu có một số kiến thức cơ bản thì chủ xe có thể chủ động giám sát việc gara xử lý ô tô sau khi bị ngập nước.
Dọn nội thất
Nước lọt vào bên trong khoang nội thất sẽ gây ẩm mốc; do đó, trước tiên cần mở tất cả các cửa xe để thoát nước ngoài, thấm khô nước đọng, sau đó tháo hết thảm sàn xe ra để vệ sinh bên dưới.
Các bộ phận bằng nỉ hoặc vải cần được vệ sinh, sấy khô. Việc này cần được thực hiện ngay sau khi xe ra khỏi chỗ ngập; nên nếu chưa tới được gara ngay thì các chủ xe nên tự làm, vì càng để lâu càng khó xử lý ẩm mốc.
Ngoài các bộ phận bằng da, nỉ hoặc vải, cần sấy khô/tra mỡ cả các bộ phận mạ kim loại hay ốc vít trên cánh cửa hoặc chân ghế, sàn xe hoen gỉ.
Công việc dọn nội thất không quá khó nhưng cần sự tỉ mỉ, vì hơi ẩm có thể để lại hậu quả lâu dài.
Kiểm tra hệ thống điện, cảm biến
Ô tô bị ngập nước có nguy cơ gặp một số lỗi về hệ thống điện. Do đó, sau khi xe ra khỏi chỗ ngập, cần kiểm tra các giắc nối, sấy khô để đảm bảo độ tiếp xúc. Hệ thống cảm biến cũng cần được kiểm tra kỹ và thay thế (nếu cần).
Hệ thống điện, dây dẫn và một số giắc kết nối chạy quanh thân xe cũng cần được kiểm tra kỹ, vì việc tiếp xúc với nước và hơi nước lâu ngày có thể gây oxy hóa, dẫn tới trục trặc các thiết bị điện và điện tử trên xe.
Hãy kiểm tra toàn bộ hệ thống đèn, điều hòa, âm thanh,... trên xe để kịp thời xử lý, đảm bảo chúng vẫn hoạt động bình thường sau khi xe bị ngập nước.
Xử lý động cơ bị ngập nước
Đây là công việc phức tạp nhất và cũng tốn kém nhất. Xe bị ngập nước qua nắp ca-pô cần phải "bổ máy" để kiểm tra và xử lý thì mới chạy được.
Nếu xe bị thủy kích, nhẹ thì tay biên có thể bị biến dạng, thành xi-lanh bị trầy xước; nặng hơn sẽ là tay biên bị gãy, chọc thủng thành xi-lanh, phá hủy động cơ, thậm chí gây vỡ lốc máy. Trong trường hợp này, chi phí thay thế phục hồi động cơ xe rất cao, dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy mức độ hư hỏng và tùy giá trị xe.
Với ô tô mới, đây thực sự là thảm họa, giá trị xe chỉ còn từ 1/3 đến 1/2 và rất khó bán. Tuy nhiên, với xe ô tô bình dân đã qua sử dụng từ 10 năm trở lên, việc "bổ máy" không quá nghiêm trọng, hoặc thậm chí nếu cần thay máy mới lại là việc tốt, giúp tăng giá trị xe.
Kiểm tra gầm xe và các bộ phận khác
Nếu ô tô bị ngâm lâu trong nước, gầm xe có nguy cơ han gỉ rất cao. Nước và bùn đất cũng có thể lọt vào làm kẹt các khớp chuyển động của hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái.
Ngoài ra, có thể liệt kê một số bộ phận cần được kiểm tra sau khi xe ngập nước, gồm hệ thống nhiên liệu, lọc gió, hệ thống phanh, máy nén điều hòa...