Sát hạch cấp giấy phép lái xe: Nỗi lo 'bao đỗ, chống trượt'

Sự an toàn khi tham gia giao thông sẽ như thế nào, khi những gói thi nhanh, chống trượt, bao đỗ trong đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe … vẫn đều đặn tuyển sinh hàng ngày?

Ý thức kém gây tai nạn giao thông

Nghiên cứu của Trường Đại học Việt Đức, năm 2018 cho biết, xe máy hiện là phương tiện đi lại phổ biến nhất tại Việt Nam, với 74% số người sử dụng để đi lại hàng ngày. Xe máy được ưa chuộng bởi có chi phí thấp, linh hoạt và giảm thời gian di chuyển. Đến sau năm 2030, xe máy vẫn đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo, có thị phần lớn tại Việt Nam.

Sát hạch cấp giấy phép lái xe: Nỗi lo bao đỗ, chống trượt - 1

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kiến thức về lái xe an toàn của người tham gia giao thông rất kém, chỉ có 28% số người được hỏi trả lời đúng 50% số câu hỏi về an toàn giao thông và luật giao thông đường bộ.

Số lượng vụ tai nạn giao thông đường bộ hàng năm vẫn rất lớn, mà 70% do xe máy gây ra. Liên quan đến vấn đề ATGT, nghiên cứu riêng của Trường Đại học Việt Đức tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86% trong tổng số các nguyên nhân.

Trong đó, hành vi lái xe không an toàn (phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá gần, sử dụng điện thoại khi lái xe…) chiếm 42,2%; nhóm nguyên nhân liên quan đến kỹ năng lái xe (phanh gấp...) chiếm 21,2%; liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật ATGT (đi ngược chiều, uống rượu/bia khi lái xe...) là 22,6% và nhóm nguyên nhân khách quan do môi trường xung quanh chỉ chiếm 14%. Đặc biệt, số lượng tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại TP Hồ Chí Minh tăng đáng báo động ở mức gần 200% trong thời gian qua.

Còn số liệu thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6.804 vụ giao thông đường bộ xảy ra, nguyên nhân do người điều khiển vi phạm làn đường, phần đường chiếm 25,42%; do chuyển hướng không chú ý chiếm 10,37%; do vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 7,73%; do vi phạm quy trình thao tác lái xe chiếm 7,7%; do sử dụng rượu bia chiếm 3,36%…

Trong số 822.090 trường hợp lái xe motor vi phạm, có 432.163  (52,57%) không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội nhưng không cài quai. Năm 2018 toàn quốc xảy ra 18.736 vụ  TNGT đường bộ, trong đó có 8.248 trường hợp tử vong, 14.802 người bị thương, trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà mà không trở về.

Nói chung, trong số các nguyên nhân được nghiên cứu đánh giá, thì yếu tố con người đóng góp tới trên 80% số vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là vi phạm các quy tắc an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia...

Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, thì chất lượng đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe vẫn đang là câu hỏi lớn. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe ngày càng được nâng cao. Nếu như giai đoạn 1990 số người chết do TNGT trên 100.000 giấy phép lái xe là 500-700 người, thì đến nay còn dưới 20 người. Năm 2018 con số này chưa đến 16 người. Chất lượng đào tạo và sát hạch có nhiều chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, so với các quốc gia như Nhật, Anh, Đức… số người chết do TNGT trên 100.000 giấy phép lái xe chỉ từ 2-3 người, thì vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Sát hạch cấp giấy phép lái xe: Nỗi lo bao đỗ, chống trượt - 2

Bộ GTVT và các địa phương đã điều chỉnh quy định và thực hiện công tác thanh tra giám sát, chặt chẽ, nên các trung tâm đào tạo, sát hạch đã tuân thủ nghiêm. Nhưng vẫn có những trung tâm chưa hiện nghiêm các quy định, có hiện tượng như bao đỗ, dạy mẹo… để vượt qua sát hạch.

Nỗi lo đào tạo lái xe

Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người tham gia giao thông có giấy phép nhưng ý thức, kiến thức về an toàn giao thông rất kém. Theo phản ánh của báo chí, ngay tại Hà Nội dịch vụ thi bằng lái xe ô-tô, xe máy với gói “chống trượt” đang diễn ra công khai, tràn lan.

Thi lý thuyết trên máy tính chỉ cần ngồi im, sẽ có cán bộ qua xử lý giúp.  Trọn gói, “bao luật, đảm bảo đỗ 100%”, “có bằng nhanh, tỷ lệ trượt 0%” … đó là những lời khẳng định của không ít các trung tâm đào tạo lái xe máy ở Hà Nội. Nhiều trung tâm đưa luôn các gói dịch vụ cho khách hàng lựa chọn: hồ sơ bình thường có giá dao động từ 250 nghìn - 300 nghìn đồng và hồ sơ VIP bao chống trượt cả lý thuyết lẫn thực hành có giá từ 500 nghìn - 1,2 triệu đồng.

Sự an toàn khi tham gia giao thông sẽ như thế nào, khi những gói thi nhanh, chống trượt, bao đỗ… vẫn đều dặn tuyển sinh hàng ngày?

Ủy ban ATGT Quốc gia mới đây đã hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tiến hành Dự án nghiên cứu trong năm 2019 về: “Thực trạng công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam và giải pháp cải thiện”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, dự án hoàn thành, sẽ cho cái nhìn rõ hơn về thực trạng điều khiển giao thông và người tham gia giao thông, hiện trạng của hoạt động đào tạo và cấp phép lái xe tại Việt Nam. Dự án nghiên cứu  cũng sẽ làm rõ các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam; đề xuất những cải tiến về chính sách, quy định, với công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, vùa qua Chính phủ đã có chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe để đảm bảo tính minh bạch và nghiêm minh của hoạt động này. Đồng thời cũng yêu cầu Bộ Công an khi phát hiện thông tin gian lận trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, có chuyên án xử lý nghiêm.

Theo Trần Thuỷ
Vietnamnet