Saab bị đòi nợ ráo riết

(Dân trí) - Cơ quan thu hồi nợ Thuỵ Điển cho biết nhiều công ty đã yêu cầu họ can thiệp để Saab trả nợ. Từ đầu năm đến nay, hãng xe này liên tục phải ngừng sản xuất do nợ tiền hàng của các nhà cung cấp.

Bà Christina Lindberg, một nhân viên của Cơ quan thu hồi nợ Thuỵ Điển, cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu thủ tục thu hồi nợ trong vài ngày tới.”

 

Hiện đã có 8 công ty tìm tới cơ quan này yêu cầu đòi nợ Saab, trong đó có Kongsberg Automotive AB, một công ty Na Uy chuyên sản xuất phụ tùng ghế ô tô.

 

Lindberg cho biết bà không rõ tổng số nợ của Saab là bao nhiêu.
 
Saab bị đòi nợ ráo riết - 1

 

Saab đã buộc phải ngừng sản xuất trong tháng 4 do thiếu tiền thanh toán cho các nhà cung cấp.

 

Hãng đang trong quá trình đàm phán thanh toán và các điều khoản giao hàng với các nhà cung cấp, với mục tiêu khởi động lại sản xuất vào tuần cuối tháng 8.

 

“Chúng tôi đang thảo luận với tất cả các nhà cung cấp để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt,” ông Eric Geers, một người phát ngôn của Saab, cho biết. “Việc thảo luận đang tiến triển tốt.”

 

Tuần trước, một nhà cung cấp khác, SwePart Verktyg, đã yêu cầu toà án đưa một bộ phận của Saab vào tình trạng phá sản vì không thể thanh toán nợ. Sau đó, Saab cho biết đã giải quyết được vụ việc bằng một thoả thuận thanh toán với công ty trên.

 

Bà Lindberg cho biết theo đăng ký tại Cơ quan thu hồi nợ Thuỵ Điển, Saab hiện có tổng cộng 104 khoản nợ.
 

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Saab cho biết không có đủ tiền mặt để trả lương cho 1.600 nhân viên hành chính, chiếm khoảng 45% tổng số nhân viên 3.640 người của Saab.

 

Saab cho biết vấn đề tài chính này là do sự rót vốn chậm trễ từ bên ngoài, nhưng không nêu tên cụ thể. Saab cũng không nói rõ việc trì hoãn này sẽ kéo dài bao lâu và công ty còn nợ bao nhiêu lương nhân viên.

 

“Số tiền đã được cam kết, nhưng lại đang bị trì hoãn. Đây là việc rất, rất không may,” ông Eric Geers, người phát ngôn của Saab, cho biết.

 

Cách đây 1 tháng, Saab cũng rơi vào cảnh không có đủ tiền mặt để trả lương cho các công nhân làm việc theo giờ. Công đoàn nhà máy Trollhattan của Saab từng đe doạ sẽ buộc công ty phải tuyên bố phá sản, nhưng được xoa dịu khi nhà sản xuất ô tô Thuỵ Điển này nhận được cam kết rót vốn 26,8 triệu USD từ các đối tác Trung Quốc.

 

Saab có trụ sở tại Trollhaettan, phía nam Thuỵ Điển, được GM mua 50% cổ phần vào năm 1990 và nốt nửa còn lại một thập kỷ sau đó. Trong phần lớn thời gian thuộc sở hữu GM, thương hiệu Saab toàn thua lỗ.

 

Giới phân tích cho rằng việc GM dùng các linh kiện, phụ tùng của các xe GM vào lắp ráp xe Saab đã làm hỏng thương hiệu nổi tiếng một thời này.

 

Trong tình hình khó khăn về tài chính, đầu năm 2010, GM đã ký thoả thuận bán thương hiệu Saab cho nhà sản xuất ô tô hạng sang của Hà Lan là Spyker Cars NV, nay là Swedish Automobile.

 

Đến đầu tháng 5/2011, tiếp tục với lý do tài chính, Spyker và Saab đã phải đồng ý bán 30% cổ phần cho một công ty ô tô tư nhân nhỏ của Trung Quốc là Hawtai với giá 223 triệu USD, nhưng không được chính phủ nước này thông qua, nên thỏa thuận thất bại.

 

Từ giữa tháng 5/2011, Spyker Cars N.V. ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Pang Da Automobile Trade Co., Ltd (Pang Da) về vấn đề tài chính và nhập khẩu xe. Pang Da là nhà phân phối ô tô lớn nhất Trung Quốc, với hơn 1.100 đại lý trên cả nước.

 

Spyker Cars N.V. đã ký với công ty ô tô Zhejiang Youngman Lotus Automobile của Trung Quốc thỏa thuận bán 29,9% cổ phần với giá 193 triệu USD, còn Pang Da Automobile cam kết tăng vốn đầu tư lên 155 triệu USD, giữ nguyên tỷ lệ cổ phần 24% đã thỏa thuận trước đó.

 

Nhật Minh

Theo Autonews, Leftlane