Saab cạn túi

(Dân trí) - Tình hình tài chính của Saab nghiêm trọng tới mức hãng xe Thụy Điển này không những phải tạm ngừng ra mắt một số mẫu concept mới, dừng dây chuyền sản xuất, mà thậm chí còn không thể trả lương cho nhân viên.

Chủ sở hữu của Saab, tập đoàn ô tô Thụy Điển Swedish Automobile (trước đây tên là Spyker Cars N.V.) cho biết họ đang trong quá trình thương lượng với các chủ nợ, với nỗ lực có được nguồn vốn ngắn hạn.

 

Mới đây, công ty cho biết đã đạt được thỏa thuận với hai đối tác Trung Quốc về việc đều tư 245 triệu euro (350 triệu USD) vào Saab. Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận còn phải đợi sự thông qua của chính phủ Trung Quốc, các cơ quan quản lý châu Âu, và Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB).
 
Saab cạn túi  - 1

 

Sản xuất tại nhà máy chính của Saab tại Thụy Điển hiện đang phải tạm ngừng do công ty không có khả năng thanh toán tiền hàng cho các nhà cung cấp.

 

 “Swedish Automobile và Saab Automobile đang trong quá trình thương lượng với nhiều đối tác khác nhau nhằm đạt được nguồn vốn ngắn hạn, trong đó có cả việc bán một số bất động sản của Saab,” thông cáo báo chí của công ty cho biết.

 

Tuy nhiên, hiện chưa có gì đảm bảo là Saab sẽ có được nguồn vốn ngắn hạn đủ để trả lương nhân viên.
 

Trong khi Saab đang cố cầm cự thì Hiệp hội các nhà cung cấp phụ tùng ô tô châu Âu (CLEPA) thúc giục hãng làm thủ tục phá sản để nhân viên được đền bù vật chất.

 

“Tôi cho rằng đó là hướng giải quyết duy nhất hiện nay của Saab và làm như vậy thì các nhân viên của hãng có thể nhận 6 tháng lương từ chính phủ,” CEO Lars Holmqvist của CLEPA nói.  “Theo tôi, Saab nên tự nguyện làm vậy - đó cũng là điều hợp lẽ duy nhất - họ đã nhẵn túi.”

 

Theo luật của Thụy Điển, các nhân viên của Saab được quyền nhận khoảng 28.000 USD nếu hãng đệ đơn xin phá sản.

 

Saab chỉ bản được khoảng 30.000 xe trong năm 2010.

 

Hãng có trụ sở đặt tại Trollhaettan, phía nam Thuỵ Điển. GM đã mua 50% Saab vào năm 1990 và nốt phần còn lại một thập kỷ sau đó. Trong phần lớn thời gian thuộc sở hữu GM, thương hiệu Saab toàn thua lỗ.

 

Giới phân tích cho rằng việc GM dùng các linh kiện, phụ tùng của các xe GM vào lắp ráp xe Saab đã làm hỏng thương hiệu nổi tiếng một thời này.

 

Trong tình hình khó khăn về tài chính, đầu năm 2010, GM đã ký thoả thuận bán thương hiệu Saab cho nhà sản xuất ô tô hạng sang của Hà Lan là Spyker Cars NV, nay là Swedish Automobile.

 

Đến đầu tháng 5/2011, tiếp tục với lý do tài chính, Spyker và Saab đã phải đồng ý bán 30% cổ phần cho một công ty ô tô tư nhân nhỏ của Trung Quốc là Hawtai với giá 223 triệu USD, nhưng không được chính phủ nước này thông qua, nên thỏa thuận thất bại.

 

Ngay sau đó, giữa tháng 5/2011, Spyker Cars N.V. ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Pang Da Automobile Trade Co., Ltd (Pang Da) về vấn đề tài chính và nhập khẩu xe. Pang Da là nhà phân phối ô tô lớn nhất Trung Quốc, với hơn 1.100 đại lý trên cả nước.

 

Spyker Cars N.V. đã ký với công ty ô tô Zhejian Youngman Lotus Automobile của Trung Quốc thỏa thuận bán 29,9% cổ phần với giá 193 triệu USD, còn Pang Da Automobile cam kết tăng vốn đầu tư lên 155 triệu USD, giữ nguyên tỷ lệ cổ phần 24% đã thỏa thuận trước đó.

 

Nhật Minh

Theo BBC, Leftlane