Phân biệt SUV và CUV: Hai dòng xe thường bị "đánh đồng" tại Việt Nam

Bảo Linh

(Dân trí) - SUV và CUV đều là những dòng xe đa dụng gầm cao được ưa chuộng tại Việt Nam, khác biệt về cấu trúc thân và khung xe nhưng thường bị nhầm lẫn bởi ngoại hình có vẻ giống nhau.

Kết cấu khung gầm

SUV (viết tắt của Sport Utility Vehicle) tức dòng xe thể thao đa dụng gầm cao có kết cấu khung rời (body-on-frame) tương tự xe bán tải, xe tải hạng nhẹ. Nó được hiểu là phần thân vỏ và phần khung gầm không liền khối mà được tách để sản xuất rồi mới lắp ráp với nhau.

Phân biệt SUV và CUV: Hai dòng xe thường bị đánh đồng tại Việt Nam - 1

Nhờ cấu trúc body-on-frame mà xe SUV có khả năng chống vặn xoắn khi phải chịu tải cao hoặc di chuyển trên địa hình khó...

Nhìn từ bên ngoài, nhiều người sẽ nhầm crossover - CUV (viết tắt của Crossover Utility Vehicle) với xe SUV bởi kiểu dáng gầm cao tương tự. Tuy nhiên, chúng có khác biệt lớn nhất ở cấu trúc khung và thân xe.

Phân biệt SUV và CUV: Hai dòng xe thường bị đánh đồng tại Việt Nam - 2

Crossover có cấu tạo phần thân vỏ xe liền với phần khung gầm (unibody) tương tự sedan nên đây có thể coi là "con lai" của SUV và sedan. Với cấu trúc khung liền, trọng lượng của xe CUV nhẹ hơn nhưng khả năng chịu tải không cao và vận hành địa hình khắc nghiệt khó đạt được như SUV.

Kiểu dáng

Được thiết kế để chinh phục địa hình đúng "chất" off-road, SUV sở hữu kích thước lớn, kiểu dáng thể thao, hầm hố và khoảng sáng gầm xe lớn. Sử dụng nền tảng khung gầm của xe bán tải/xe tải nên nhìn từ bên ngoài, SUV thường mang thân hình cứng cáp.

Trong khi đó, CUV là sản phẩm được lai tạo giữa vẻ thanh lịch của sedan và tính đa dụng của SUV, thiết kế vì thế có phần mềm mại.  Thông thường, những chiếc CUV có kích thước nhỏ và thiết kế gọn gàng hơn xe SUV, dù vẫn chạy địa hình khá nhờ khoảng sáng gầm tốt.

Khả năng vận hành

Phân biệt SUV và CUV: Hai dòng xe thường bị đánh đồng tại Việt Nam - 3

Nhờ kết cấu khung gầm body-on-frame, SUV có khả năng chịu tải, chịu vặn xoắn tốt. Dòng này cũng thường sử dụng hệ dẫn động bốn bánh nhằm đảm bảo tính ổn định và độ bám đường khi di chuyển trên các điều kiện địa hình khó. Kết hợp với đặc tính gầm cao, xe SUV mang lại khả năng off-road dễ dàng, trở thành lựa chọn của nhiều người dùng mong muốn trải nghiệm chinh phục địa hình.

Trong khi đó, crossover thường hướng đến một mẫu xe phục vụ gia đình hơn là chinh phục địa hình. Thiết kế unibody giúp crossover mang lại khả năng vận hành êm ái và ổn định. Nhiều mẫu crossover hiện nay có khoảng sáng gầm lớn, được trang bị hệ dẫn động bốn bánh nhưng off-road không phải thế mạnh.

Mức tiêu thụ nhiên liệu

Phân biệt SUV và CUV: Hai dòng xe thường bị đánh đồng tại Việt Nam - 4

Với kiểu khung gầm liền khối unibody, CUV thường có trọng lượng nhẹ hơn SUV, cải thiện trong hiệu suất vận hành và mức tiêu hao nhiên liệu. Còn xe SUV với đặc tính thân hình cao to nên sẽ sử dụng động cơ có dung tích lớn, trọng lượng xe nặng, do đó thường sẽ "ngốn" nhiều nhiên liệu hơn CUV.

Sự khác biệt về khung gầm và thân xe còn mang lại nhiều khác biệt nữa khi vận hành một chiếc SUV so với CUV. Tuy nhiên hiện nay, các nhà sản xuất liên tục phát triển các công nghệ để khắc phục nhược điểm, bổ sung thêm các ưu điểm của nhau giữa hai dòng xe này.

SUV và CUV phổ biến ở Việt Nam

Ở phân khúc crossover, không khó để "điểm mặt" những cái tên có doanh số tốt tại Việt Nam như Honda CR-V, Mazda CX-5, Hyundai Tucson (thuộc phân khúc crossover cỡ C) hay các mẫu crossover cỡ B chẳng hạn Hyundai Kona, Kia Seltos...

Phân biệt SUV và CUV: Hai dòng xe thường bị đánh đồng tại Việt Nam - 5

Những SUV thực thụ được phát triển dựa trên nền tảng body-on-frame đang lăn bánh ở nước ta có thể kể đến như Mitsubishi Pajero Sport, Ford Everest, Toyota Fortuner, Toyota Land Cruiser...

Thực tế, một số mẫu SUV thực thụ trước đây đã chuyển sang dùng kết cấu thân liền khung của CUV. Ngược lại, nhiều mẫu CUV lại được các hãng sản xuất gọi chung là SUV. Từ sự đan xen và chống lần, cách làm marketing, mục đích thúc đẩy thương hiệu mà hai khái niệm này dần trở nên hòa trộn vào nhau.