Nguy cơ cháy nổ ở các trụ sạc pin xe điện dưới tầng hầm gây lo lắng
(Dân trí) - Không phải xe điện có nguy cơ cháy cao hơn xe động cơ đốt trong, mà là các vấn đề khác mang tính đặc thù của ô tô điện.
Nếu xem số liệu thống kê thì không có lý do gì để nghĩ rằng ô tô thuần điện có nguy cơ cháy cao hơn so với ô tô dùng động cơ đốt trong. Các trường hợp ô tô cháy khi đang đỗ hoặc sạc pin cũng rất hiếm, nhưng thực tế là có xảy ra, dù là xe thuần điện hay xe động cơ đốt trong thông thường. Do đó, các công ty bảo hiểm không tính phí với xe điện cao hơn xe xăng. Giá trị xe, nguy cơ bị trộm và thông tin về tài xế mới là các yếu tố quyết định phí bảo hiểm, dù là xe xăng hay xe điện.
Số liệu thống kê không sai, nhưng lực lượng cứu hỏa có thể cho bạn biết thêm một điều - không phải đám cháy nào cũng có thể dập tắt. Và đáng tiếc là ô tô điện nằm trong số khó dập lửa.
Có thể chữa cháy cho một chiếc xe động cơ đốt trong bằng bình cứu hỏa hoặc rất nhiều nước, nhưng cách duy nhất để khống chế một chiếc xe điện bị cháy là kiểm soát nguồn cháy, ở chỗ trống, vì nó có thể cháy lại nhiều lần, ngay cả sau khi lửa đã bị dập hết. Đó là đặc thù của cụm pin lithium-ion, nên việc chữa cháy xe điện không hề đơn giản. Cụm pin xe điện thường có lớp vỏ rất kín, khiến lực lượng cứu hỏa khó "diệt tận gốc".
Ở những nước có nhiều xe điện, lực lượng cứu hỏa khuyến cáo không nên xây dựng các trạm sạc pin xe điện ở nơi chật hẹp, không đặt được thùng nước để ngâm xe điện bị cháy vào đó.
Vì xe điện còn khá mới mẻ, nên chính phủ nhiều nước trên thế giới vẫn đang học cách thích nghi. Ngoài các quy định phòng cháy chữa cháy cơ bản, hiện chưa nước nào có quy định về điều kiện an toàn của trạm sạc pin xe điện dưới hầm tòa nhà.
Bộ phận nghiên cứu và đánh giá rủi ro RISCAuthority của Hiệp hội phòng cháy chữa cháy Anh mới đây đã ban hành tài liệu hướng dẫn phòng cháy chữa cháy cho các trạm sạc pin xe điện. Công ty bảo hiểm Zurich cũng đã công bố tài liệu hướng dẫn của riêng mình dành cho các tòa nhà.
Cả hai đều cho biết vị trí tốt nhất để xây trụ sạc pin ô tô điện là ở tầng 1, cách xa các tài sản có giá trị hoặc các vật liệu dễ cháy, như nơi chứa khí gas hóa lỏng (LPG) hay nơi tập kết rác thải, và là nơi xe chữa cháy dễ dàng ra vào.
Nếu phải lắp trụ sạc pin ô tô điện bên trong tòa nhà cao tầng thì nên chọn vị trí trên mái hoặc gần tầng 1, thoáng gió hai bên. Lắp đặt trụ sạc trong không gian kín là giải pháp bất đắc dĩ, và khi đó, cần có hệ thống vòi phun mưa và thông gió tốc độ cao ở bên trên xe. Phải chọn vị trí cách xa cửa ra vào, cầu thang hoặc lối thoát hiểm để lắp trụ sạc pin xe điện.
Theo RISCAuthority, với các tòa nhà cao tầng, cần tách riêng khu sạc pin xe điện trong tầng hầm, ngăn bằng hệ thống tường hoặc cửa chống cháy có thể "cầm cự" ít nhất 120 phút để ngăn cháy lan.
Trong khi đó, cơ quan phòng cháy chữa cháy Hàn Quốc đang đề xuất chính phủ nước này ra quy định bắt buộc trang bị các bể chứa nước di động và vòi phun áp lực cao khi xây dựng trạm sạc trong hầm. Bể nước có thể làm mát bộ pin, ngăn nó bùng cháy trở lại.
Singapore vừa thông qua quy định mới, yêu cầu các tòa nhà xây mới lắp trụ sạc pin xe điện theo tỉ lệ 1:25, tức là cứ 25 chỗ đỗ thì có 1 trụ sạc pin xe điện.