Nghịch lý xe ngoại ế ẩm, xe nội “cháy hàng”
Doanh số xe tại các thị trường lớn trên thế giới tụt thảm hại. Trong khi đó, tại Việt Nam, “xe nội” cũng không có nhiều để mua!
Corolla Altis - Mẫu xe hiện đã hết hàng
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ba tháng gần đây số lượng xe 5 chỗ bán ra tăng liên tục. Sau “cơn sốt” SUV/MPV “chạy thuế”, tới lượt các mẫu xe nhỏ “cháy hàng”. Nghịch cảnh người tiêu dùng “xếp hàng” chờ mua xe tái diễn.
Chen chân chờ mua xe
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả các mẫu xe của Toyota Việt Nam hiện đã “cháy hàng”, dữ dội nhất là Vios, Altis, Camry. Nếu đặt mua ngay thời điểm này, phải chờ tới tháng 11, 12 khách hàng mới có thể nhận xe. Số lượng đơn đặt hàng tại các đại lý vẫn tiếp tục tăng. Có vẻ việc chờ đợi tới nửa năm để được mua xe không làm các khách hàng của Toyota nản chí.
Tôi được một nhân viên kinh doanh của Toyota khuyên: “Thời điểm này đại lý chẳng có xe mà bán. Đến Innova, muốn mua còn phải chờ đến tháng 10 huống hồ những mẫu xe nhỏ đang hút khách. Càng chần chừ càng phải chờ lâu, tốt nhất là đặt mua xe ngay”.
Tuy nhiên ngay đến việc đặt mua xe cũng phải “nhanh chân”. Ngay từ tháng 5, Toyota Mỹ Đình đã từ chối đơn đặt hàng những mẫu xe đắt khách với lý do: Phải hết tháng 10 mới chỉ đủ xe giao cho những hợp đồng đã kí, hai tháng cuối năm dễ biến động. Ngừng nhận hợp đồng âu cũng là cách… tránh rủi ro.
Không chỉ Toyota mà Honda cũng đã “cháy hàng”. Khách hàng muốn mua Honda Civic phải chờ tới tháng 8, còn muốn sở hữu Honda CRV phải chờ đến tháng 10. Thời gian chờ đợi có thể sẽ dài hơn nếu khách chọn mua xe màu xám bạc.
Với mẫu xe nhỏ Lacetti, Gentra, tình hình bán hàng của Vidamco sôi động không kém. Nhân viên kinh doanh của hãng cho biết, nếu đặt mua Lacetti ngay từ bây giờ thì sớm nhất cũng phải chờ tới tháng 8 mới có thể nhận xe. Mẫu xe Gentra đang bán chạy, xe màu đỏ hiện đã hết hàng.
“Ở đâu cũng nói phải đặt mua, phải đặt cọc, phải chờ... Mua xe liên doanh cũng khó đến vậy” - Anh Hà ở Kim Liên chia sẻ. Cả tuần nay anh phải đôn đáo tìm cách mua một chiếc Vios lấy ngay nhưng không được.
Việc các loại xe có dung tích xi-lanh dưới 2.0L được giảm thuế tiêu thụ từ ngày 1/4/2009, và việc giảm một nửa thuế GTGT, giảm nửa phí trước bạ từ tháng 5 đến tháng 12 được coi là yếu tố kích cầu hiệu quả cho dòng xe nhỏ. Tuy nhiên, mức chi phí mua xe giảm theo không quá lớn, giá xe vẫn cao ngất ngưởng. Việc các mẫu xe nhỏ “cháy hàng”, doanh số các mẫu xe 7 chỗ cũng tăng còn chứng tỏ nhu cầu sử dụng ô tô không nhỏ của người dân. Vì cần xe nên họ phải “xếp hàng”, thậm chí mua xe giá cao hơn giá niêm yết.
“Lại béo cò!”...
“... Bây giờ đặt mua Altis thì đến tháng 12 mới có thể giao xe. Nhưng nếu chị muốn lấy sớm nhất thì lắp thêm 40 triệu đồng phụ kiện, em sẽ cố gắng đặt xe cho chị lấy trong tháng 8...” - Nhân viên kinh doanh của Toyota LH trả lời khi tôi hỏi việc đặt mua một chiếc Corolla Altis số sàn. Cũng chính đại lý này trong “cơn sốt” SUV/MPV hồi tháng 4 đã ra điều kiện: Chỉ bán xe Innova cho khách chịu lắp thêm 20 triệu đồng phụ kiện. Có vẻ việc tăng doanh thu hiệu quả nên trong “cơn sốt” xe nhỏ lần này, tiền “điều kiện” đã tăng lên gấp đôi.
Cũng như những lần “cháy hàng” trước, “cò” xe lại có dịp làm ăn. Liên hệ tại các đại lý chính hãng để mua ngay một chiếc Vios, Altis, Civic hay Lacetti với giá niêm yết là điều không thể. Nhưng nếu lưu ý số điện thoại riêng của nhân viên kinh doanh, chấp nhận bỏ thêm một khoản thì có thể bạn sẽ được giao xe sớm, thậm chí lấy ngay.
Một người trong nghề tiết lộ: “Khi có đợt “sốt”, nhân viên kinh doanh của đại lý nhờ người quen đứng tên, chen chân kí hợp đồng đặt mua xe sớm. Sau đó, họ sẽ liên hệ với khách hàng để bán lại hợp đồng đã kí. Nhiều người sốt ruột sẵn sàng chi đậm để không phải ngồi chờ vài tháng mới được nhận xe. Hợp đồng giao xe càng sớm thì giá nhượng hợp đồng càng cao”. Ngoài ra, có thể còn có xe “găm” ở bên ngoài. Người có vốn đầu cơ để bán xe hưởng chênh lệch giá”. Hiện trên một số diễn đàn có thông tin muốn mua xe giao sớm cần phải mất thêm 1000 - 1500 USD.
Anh Long ở Nguyễn Trãi bức xúc: “Đại lý chính hãng nói hết hàng trong khi bỏ thêm tiền vẫn mua được xe ngay. Chỉ là mua xe, người tiêu dùng vẫn phải “cắn răng” để “cò” móc túi".
Nghịch lý thị trường ô tô Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ô tô trên thế giới đang ế ẩm. Tại Bắc Mỹ - nơi “kiếm cơm” của tất cả các nhà sản xuất lớn, doanh số dòng xe con trong tháng 6 của Toyota sút giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; lo ngại trước doanh số sụt giảm, Hyundai, Suzuki còn viện chiêu “mua xe được xăng giá rẻ” để lôi kéo khách hàng.
Vậy mà tại Việt Nam, người dùng có tiền cũng không thể mua xe! Và không ít người đã phải đặt câu hỏi: Liên doanh “cháy hàng” thật hay đây chỉ là “nghệ thuật kinh doanh”?
Còn nhớ cách đây gần 2 tháng Toyota Việt Nam đã “làm mình, làm mẩy” do “Chính phủ không đưa ra được chính sách nhất quán và khuyến khích hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển” (!). Nhưng hiện tại rõ ràng các liên doanh lắp xe trong nước đang sống nhờ vào chính sách thuế; thị trường thế giới lao đao, Việt Nam sống khỏe!
Than vãn về chuyện bán hàng của các liên doanh, không ít ý kiến cho rằng: Thay vì “dài cổ” ngồi chờ xe nội, nên chuyển sang mua xe nhập: “Tiền ngay thóc thật”, nhân viên nhiệt tình, chất lượng yên tâm,... Nhưng hiện thuế nhập khẩu cao cũng khiến nhiều người ngần ngại. Dường như “xe nội” đang tạo ấn tượng xấu trong tiềm thức của nhiều người.
Chuyện “cháy hàng”, sốt giá xe trong nước không còn là chuyện mới. Đi kèm theo đó là sự lặp lại việc khách hàng phải xếp hàng chờ xe, chi tiền cho “cò” để mua được xe sớm... “Người tiêu dùng Việt quá thiệt thòi!”- Anh Long giãi bày.
Theo lộ trình đã xác định, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ giảm xuống còn 60% vào năm 2013 và 0% vào năm 2018. Nếu vẫn giữ cách kinh doanh này, trong tương lai, xe liên doanh liệu có còn khả năng cạnh tranh cùng xe nhập?
Theo Autopro