Nghi án lừa đảo tại đại lý Kia Hà Đông và bài học cho người mua xe
“Ôm tiền” rồi đóng cửa, đại lý ôtô Kia Hà Đông không chỉ bị hàng chục khách hàng mà cả nhà phân phối xe Trường Hải tố lừa đảo. Câu chuyện vẫn chưa có hồi kết này thực sự là bài học nhãn tiền cho người mua ôtô.
Vụ việc bắt đầu từ đầu năm 2017 khi một nhóm khoảng 10 khách hàng ký hợp đồng mua xe tại đại lý Kia Hà Đông và không nhận được xe dù đã thanh toán 100% tiền với biên nhận đàng hoàng.
Theo anh N.T.T một trong 10 vị khách trên, anh đã ký hợp đồng mua một chiếc Kia Sorento Gath 7 chỗ ngồi, giá 916 triệu đồng từ tháng 12.2016 và đã chuyển tiền đầy đủ ngay sau đó nhưng tới nay (tháng 7.2017), chiếc xe anh mua vẫn "bặt vô âm tín" và đại lý này sau nhiều lần hứa hẹn, khất lần đã đóng cửa ngừng hoạt động mà không chịu giao xe hay tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng.
Anh N.T.T cho biết, do nhận thấy nhiều vấn đề bất thường ở đây nên đã cùng những khách hàng chung cảnh ngộ làm đơn gửi lên Cơ quan điều tra nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.
Ngày 6/7, phóng viên đã tới địa chỉ đại lý này ở tổ 9, phường Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội thì thấy đại lý đóng cửa. Bên trong, không một bóng người, cũng chẳng có chiếc ôtô nào. Tuy nhiên, các trang bị như bàn ghế, quầy lễ tân vẫn được giữ nguyên.
Đại lý Kia Hà Đông thuộc Công ty CP tập đoàn ôtô Hoàng Gia, hoạt động chính trong ngành kinh doanh buôn bán ôtô và dịch vụ phụ tùng ôtô, chứ không phải là đại lý trực thuộc hệ thống của KIA tại Việt Nam và công ty ôtô Trường Hải Thaco. Ông Trương Công Huấn - đại diện pháp luật của của công ty ôtô Hoàng Gia đã ký hợp đồng làm đại lý với Công ty TNHH MTV Phân phối Ôtô Chu Lai Trường Hải (một công ty thành viên của Công ty CP ôtô Trường Hải, gọi tắt là Công ty PC).
Trao đổi với báo Lao Động, đại diện công ty Trường Hải cho biết, họ cũng là nạn nhân của đại lý này. Theo đó, từ ngày 14/6/2016, công ty Hoàng Gia liên tục lợi dụng chính sách kinh doanh xe du lịch của công ty PC để lập đơn hàng đề nghị Công ty PC cung cấp số lượng lớn các loại xe ôtô du lịch cho Công ty CP tập đoàn ôtô Hoàng Gia.
Tính tới ngày 21/1/2017, Công ty PC đã giao cho Công ty ôtô Hoàng Gia 36 xe để phục vụ cho việc trưng bày và kinh doanh của Công ty ôtô Hoàng Gia nhưng công ty này chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho Công ty PC theo đúng thời gian quy định của Hợp đồng Đại lý hai bên đã ký và hiện còn nợ Công ty PC hơn 21 tỉ đồng.
Theo đại diện Trường Hải, dù nhà phân phối này đã làm việc với ông Huấn về việc thu hồi 29 xe trên, nhưng ông này đã sử dụng các xe này thế chấp để vay tiền, sai với những cam kết trong hợp đồng đã ký và tới ngày 23/1/2017, Trường Hải đã tiến hành kiểm tra thực tế tại phòng trưng bày xe của đại lý Kia Hà Đông nhưng chỉ còn lại 3 xe trong phòng trưng bày.
Hành vi được cho là lừa đảo của đại lý Kia Hà Đông được nhận định đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Trường Hải và đơn vị này hiện đã gửi công văn đến các cơ quan pháp luật để giải quyết vụ việc.
Trao đổi với báo Lao động, một chuyên gia trong ngành nhận định, câu chuyện của đại lý Kia Hà Đông là hy hữu, nhưng không phải không có cơ hội tái diễn và đây thực sự là bài học lớn cho người mua xe.
Về lý thuyết, khi mua xe khách mua chỉ cần cọc 20% rồi tăng dần lên theo từng giai đoạn (làm giấy tờ...) và thanh toán hết khi giao xe. Nhưng trên thực tế, vào các giai đoạn cao điểm của thị trường, không ít khách hàng vì muốn lấy xe sớm đã không ngại “xuống tiền” 100%.
Do đó, khi mua xe, việc nghiên cứu kỹ hợp đồng và chỉ thanh toán hết tiền khi giao nhận xe là điều mà mọi khách hàng nên thực hiện.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu thông tin về đại lý thông qua các kênh khác nhau cũng là điều cần thiết để tránh mua xe tại những nơi chưa đủ uy tín hay quy mô.
Theo Lâm Anh
Lao động