Ngành phụ tùng ô tô Trung Quốc bành trướng
(Dân trí) - Sau nhiều năm tung hoành trên thị trường nội địa và khu vực, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Trung Quốc bắt đầu tham vọng vươn ra thế giới.
Hồi đầu tháng 7, Tempo International Group, một nhà cung cấp phanh, khung và phụ tùng động cơ ở Bắc Kinh, cùng với nhà hỗ trợ tài chính là chính quyền thành phố Bắc Kinh, đã thành lập một liên doanh mang tên Pacific Century Motors để mua công ty Nexteer chuyên sản xuất phụ tùng hệ thống lái cung cấp cho GM với giá 450 triệu USD.
“Chúng tôi muốn trở thành một nhà cung cấp phụ tùng lớn trong ngành,” chủ tịch Tianbao Zhou của Tempo phát biểu trong buổi trả lời phỏng vấn hồi tuần trước tại trụ sở GM. “Chúng tôi muốn hoà mình vào văn hoá Mỹ.”
Tempo đang theo bước công ty Wanxiang.
Năm 1969, Lu Guanqiu, một thợ rèn học việc, đã cùng vợ và 5 đối tác đầu tư 500 USD mở một cửa hàng sửa chữa dụng cụ nông nghiệp. Sau đó, ông bắt đầu sản xuất trục nối nhiều chiều cho các nhà sản xuất ô tô.
Giờ đây công ty Wanxiang của ông có doanh thu hàng năm đạt 8 tỷ USD, với trụ sở đặt tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Năm 1994, Lu thành lập công ty Wanxiang America Corp. ở Elgin, tiểu bang Illinois của nước Mỹ. Đến cuối thập niên 90, công ty này đã mua lại 5 nhà cung cấp phụ tùng chế tạo khung xe tại Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính, giữ nguyên ban lãnh đạo người Mỹ.
Ông Lu tiếp tục theo đuổi chiến lược mua bán công ty tại Mỹ. Năm 2007, Wanxiang mua một nhà máy sản xuất trục cam của Ford ở Monroe, tiểu bang Michigan.
Năm ngoái, doanh số tại Mỹ của công ty đạt 1,3 tỷ USD. Tại một sự kiện ngành gần đây diễn ra tại Detroit, chủ tịch Pin Ni của Wanxiang America cho biết ông đang cân nhắc các thương vụ mua bán doanh nghiệp khác.
Trào lưu mới
Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô khác của Trung Quốc sẽ đi theo xu hướng này, theo nhận định của ông C. Peter Theut, nhà sáng lập China Bridge, một công ty tư vấn sáp nhập doanh nghiệp Trung-Mỹ tại Michigan.. Ông cho biết, trong năm qua 12 doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm đến công ty ông để nhờ tư vấn mua bán doanh nghiệp ở phương Tây, trong đó có tới 6 nhà cung cấp phụ tùng ô tô.
Ông Theut cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc thường tìm mua những công ty Mỹ nhỏ, với những sản phẩm đặc thù và doanh số năm khoảng từ 20-150 triệu USD. “Các công ty Trung Quốc mang theo tiền mặt để thanh toán cho các thương vụ, điều mà các công ty Mỹ khó có được từ các nhà tín dụng Mỹ.
Mặc dù hiện chưa rõ có bao nhiêu nhà cung cấp phụ tùng ô tô Trung Quốc laàmăn tại Mỹ, nhưng Hội đồng hành chính Detroit thống kê được ít nhất 41 công ty chỉ riêng ở khu vực này. Quy mô công ty trải từ các nhà cung cấp phụ tùng nhỏ cho tới các bộ phận sản xuất phụ tùng của các doanh nghiệp ô tô như FAW Group và Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC), hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc.
Thông thường, các công ty này ban đầu lập một văn phòng kinh doanh tại Mỹ và có thể là một trung tâm kỹ thuật. Sau vài năm họ có thể bắt đầu hoạt động mua bán các doanh nghiệp và nhà máy của Mỹ.
Dự án của công ty Tempo nhận được sự hậu thuẫn tài chính của nhà nước Trung Quốc. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã mở một quỹ trị giá 15 tỷ USD để hỗ trợ các công ty trong nước, trong đó có Tempo, mua bán doanh nghiệp nước ngoài.
“Với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, chúng tôi đang nỗ lực đưa công ty lên vũ đài quốc tế,” chủ tịch Tianbao Zhou của Tempo nói. Với doanh thu năm 2009 đạt 2,1 tỷ USD, Nexteer là bệ phóng để Tempo xây dựng một công ty lớn mạnh hơn. Trong khi đó, nguồn lực tài chính dồi dào của “ông chủ” Trung Quốc đem đến cho Nexteer những cơ hội tăng trưởng mà công ty đã không có trong nhiều năm.
Năm 2006, Delphi Corp., công ty phụ tùng đang trên bờ vực phá sản của Mỹ, đã phải rao bán bộ phận sản xuất phụ tùng hệ thống lái Saginaw Steering Gear nhưng bất thành, và đã phải bán lại cho GM vào tháng 3/2009. GM đặt lại tên công ty là Nexteer rồi rao bán vào tháng 1 năm nay.
Do Delphi và sau đó là GM đều gặp khó khăn về tài chính nên Nexteer buộc phải tìm chủ mới có khả năng thanh toán bằng tiền mặt. Nhờ đó, các cuộc thương lượng của Tempo để mua Nexteer diễn ra suôn sẻ. Đến tháng 3/2009, BeijingWest Industries Co., một đối tác của tập đoàn Shougang, chính quyền thành phố Bắc Kinh và Tempo, đã mua hoạt động sản xuất hệ thống phanh của Delphi với giá 100 triệu USD.
Theo dự đoán của ông Theut, hoạt động này sẽ còn tiếp diễn trong vài năm tới. Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô Mỹ đang gặp khó khăn và các công ty Trung Quốc biết điều đó.
Nhật Minh
Theo Automotive News