Giải pháp giao thông đô thị của Singapore
(Dân trí) - Hệ thống giao thông ở Singapore là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. “Quốc đảo sư tử” này là một trong số ít nước áp thuế nhập khẩu cao nhằm hạn chế nhu cầu mua ô tô của người dân.
Đường giao thông chính
Lo ngại đường phố sẽ quá tải xe cộ, chính phủ Singapore đã kiềm chế nhu cầu bằng cách làm cho xe hơi trở nên đắt đỏ. Ví dụ, giá một chiếc BMW 320i sedan ở đây là khoảng 140.000 USD, cao gấp hơn 3 lần giá bán trung bình tại Mỹ.
Hiện có hơn 15.000 xe taxi ở Singapore, hoạt động 24/7, với mức cước trung bình từ 2,8 - 3 SGD/km cho taxi thường và 3,2 SGD/km cho taxi limousine. Vào giờ cao điểm (7 giờ - 9 giờ 30 phút sáng), buổi đêm và ngày lễ, khách phải trả thêm phụ phí (35-50% cước phí).
Phương tiện công cộng
Singapore là một trong những nước có hệ thống giao thông công cộng hoạt động hiệu quả nhất thế giới, với hai phương tiện chính là xe buýt và tàu điện ngầm. Người sử dụng thường xuyên thì mua thẻ trả trước, còn không thường xuyên, như khách du lịch, có thể trả tiền cho từng chặng, với chi phí khá rẻ.
Tàu điện ngầm ở Singapore hoạt động từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm
Hệ thống thu phí đường điện tử
Cổng ERP được lắp trên tất cả các con đường dẫn tới khu thương mại trung tâm của Singapore, các xa lộ và những trục giao thông chính đông đúc nhằm hạn chế xe lưu thông vào giờ cao điểm.
Cổng ERP được hỗ trợ hoạt động bởi hệ thống camera để ghi lại biển số của các xe.
Một thiết bị gọi là IU được lắp trên xe ô tô, ở góc dưới bên phải kính chắn gió trước, để lái xe đút thẻ CashCard hoặc EZ-Link vào đó trả phí giao thông tự động. Thiết bị này có giá 150 SGD (gần 2,5 triệu đồng). Tất cả ô tô đăng ký tại Singapore đều phải lắp IU nếu muốn tham gia giao thông ở những đường có thu phí.
Trung tâm Hệ thống giao thông thông minh Singapore (ITSC) chịu trách nhiệm quản lý từ xa hệ thống giao thông của Singapore, hoạt động 24/7 với một đội gồm ít nhất 7 người.
Nhật Minh
Ảnh: Time