Dùng cáp kéo xe đang đỗ và "cuộc chiến" không hồi kết giữa chủ nhà, tài xế

Gia An

(Dân trí) - Câu chuyện về việc tài xế đỗ ô tô trước cửa nhà người khác và cách xử lý của chủ nhà tiếp tục là chủ đề gây nhiều tranh cãi và nó không hiếm gặp tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam.

"Cuộc chiến" đỗ xe không hồi kết

Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh người đàn ông nối đoạn dây cáp, sau đó dùng xe bán tải để kéo một chiếc Toyota Vios đang đỗ trên đường. Người chia sẻ video trên đăng kèm chú thích: "Cái tội để xe ô tô cửa nhà người ta".

Dùng cáp kéo xe đang đỗ và "cuộc chiến" không hồi kết giữa "chủ nhà, tài xế (Video: TT).

Từ những thông tin này, cộng đồng mạng cho rằng nguyên nhân sự việc nhiều khả năng là do tài xế chiếc Toyota Vios đỗ xe dưới lòng đường, chắn cửa nhà, nên đã bị kéo đi. Vụ việc nhanh chóng nhận được nhiều tranh cãi trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Tài khoản Trịnh Lê Hòa cho rằng nhiều chủ phương tiện đỗ xe thiếu ý thức, chiếm dụng vỉa hè, thậm chí chắn cửa gara của người dân. Những lúc có việc gấp, gia chủ không biết xử trí thế nào.

"Tôi đã từng đưa người thân đi cấp cứu lúc 2h sáng, nhưng không thể đánh xe ra ngoài do bị một ô tô khác chặn cửa. Đỗ xe không ai cấm, tuy nhiên phải nhường một chỗ ra vào cho người khác", anh Hòa bình luận. 

Tài khoản Chu Đức Trung thì lại không ủng hộ cách xử trí của chủ xe bán tải. Theo anh, hành động dễ bị quy vào tội hủy hoại tài sản. "Tự ý dịch chuyển xe của người khác là đã không ổn rồi, chưa kể kéo xe như thế này có thể gây hư hại cho hộp số vì chiếc Vios đang đỗ", người này viết.

Dù vậy, anh Trung cũng không ủng hộ việc tài xế đỗ xe chắn cửa nhà người khác. "Tài xế nên biết cách đỗ xe đúng quy định, tránh cửa nhà dân, đồng thời để lại số điện thoại tiện liên lạc. Để xe bị kéo như này chắc chủ nhà cũng phải bức xúc lắm", anh cho biết thêm.

Thời gian qua, "cuộc chiến" giữa chủ nhà và tài xế đỗ ô tô chắn cửa gia tăng, kéo theo hàng loạt vụ việc với mức độ nghiêm trọng nâng dần. Ban đầu, chỉ là chuyện lời qua tiếng lại, lớn hơn thì mâu thuẫn chửi bới, treo biển cấm đỗ, đóng cọc trước nhà… Về sau, có gia chủ tạt sơn, dán băng keo, băng vệ sinh… nhằm cảnh cáo hoặc trả đũa tài xế đỗ chắn cửa. 

Tháng 8 năm ngoái, đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông dùng vật cứng liên tục đập phá chiếc ô tô đỗ bên hông nhà mình, cũng gây nhiều tranh cãi trái chiều. 

Phá hoại xe đỗ trước cửa nhà có thể bị phạt tù? 

Trao đổi với Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định câu chuyện dừng/đỗ xe trước cửa nhà dân vẫn luôn là tâm điểm tranh cãi không hồi kết. 

Tình trạng đỗ xe ô tô tràn lan, chắn cửa ra/vào nhà dân gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tạo tâm lý bức xúc, khiến chủ nhà có những cách thức giải quyết không đúng mực, thậm chí có dấu hiệu vi vi phạm pháp luật. 

Trong vụ việc trên, luật sư phân tích, chưa xem xét đến việc chiếc Vios có bị hư hỏng hay không, riêng việc chủ nhà tự ý di chuyển xe đến một vị trí khác (dùng dây cáp) khi không có sự đồng ý hay cho phép của chủ xe, bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Dùng cáp kéo xe đang đỗ và cuộc chiến không hồi kết giữa chủ nhà, tài xế - 1

Ô tô đỗ trước cửa hàng bị người phụ nữ dán băng dính và vẩy bột trắng xe, sự việc xảy ra tại Hà Nội tháng 9/2022 (Ảnh: OFFB).

"Chủ nhà chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới nhà mình; còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý nên người dân không có quyền xử lý, can thiệp khi có phương tiện hay các vật cản khác đỗ ở phần đường đó. Chủ nhà chỉ có quyền nhắc nhở tài xế hoặc báo cho cơ quan chức năng đến xử lý nếu ô tô đỗ xe sai quy định", luật sư nói.

Nếu hành vi tự ý can thiệp, xử lý chiếc xe gây hư hỏng hoặc gây thiệt hại cho chủ xe, thì căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi và thiệt hại, chủ nhà có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Tiền nhấn mạnh, chủ xe cần có những bằng chứng chứng minh được những thiệt hại đối với chiếc xe là do hành vi vi phạm của chủ nhà đã thực hiện.

Nếu chủ xe chứng minh được, quá trình xe bị cẩu đã dẫn tới các thiệt hại cho xe như: hỏng hóc, trầy xước,... chủ nhà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại tài sản theo quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ - CP. Mức phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng

Thậm chí, nếu đủ căn cứ, chủ nhà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Dùng cáp kéo xe đang đỗ và cuộc chiến không hồi kết giữa chủ nhà, tài xế - 2

Hình ảnh chiếc ô tô bị dán băng vệ sinh quanh xe (Ảnh: OFFB).

Tùy vào mức độ, hậu quả gây thiệt hại, chủ nhà có thể bị phạt với mức thấp nhất từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa lên tới 20 năm. Chủ nhà còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Ngoài ra, trong trường hợp, quá trình di chuyển ô tô xảy ra tai nạn, gây thiệt hại đối với chiếc xe thì chủ nhà phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015. 

Từ những phân tích trên, luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo chủ nhà và tài xế cần dung hòa lợi ích để giải quyết vấn đề, đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh mâu thuẫn. 

Trong đó, việc đỗ xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi của nhà mặt tiền, khi cản trở sự ra/vào, ảnh hưởng hoạt động sống thường ngày của chủ nhà. Trong trường hợp này, chủ nhà cần giữ bình tĩnh, không nên to tiếng hoặc tự ý hành động như vẽ sơn hay đập phá chiếc xe.

Về phần tài xế, họ nên lựa chọn vị trí đỗ không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu dừng đỗ xe có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay sinh hoạt của người dân, hãy để lại số điện thoại liên lạc nhằm hạn chế tối đa tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. 

"Trong trường hợp các bên không tìm được tiếng nói chung, chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là thông báo sự việc lên cơ quan công an địa phương, cảnh sát giao thông khu vực để được giải quyết", luật sư Trần Xuân Tiền cho hay. 

Ông Tiền nhấn mạnh, khi thấy có ô tô hoặc vật cản trước cửa nhà, chủ nhà tuyệt đối không tự xử lý, giải quyết đối với chiếc xe mà cần tìm cách liên hệ với chủ xe hoặc trình báo đến cơ quan chức năng, tránh trường hợp bản thân "đang đúng lại thành sai".