Đồng thuận tăng mức phạt vi phạm giao thông

Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) là cần thiết, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT) của người dân, doanh nghiệp và đủ sức răn đe đối tượng có hành vi nguy hiểm đối với xã hội.


Đồng thuận tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Trong ảnh: Xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera

Đồng thuận tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Trong ảnh: Xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera

Quan điểm trên được đại diện các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt, hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng  Vụ Pháp chế (Bộ GTVT): Tăng mức phạt để bảo vệ tính mạng, tài sản người tham gia giao thông

Đồng thuận tăng mức phạt vi phạm giao thông - 2

Nghị định 171 và 107 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thi hành Luật GTĐB năm 2008, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các giải pháp nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB và giảm thiểu TNGT đã cho thấy một số vấn đề còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm TTATGT.

Cụ thể, như tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, tái phạm và hết sức nghiêm trọng hay như số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn ngày càng tăng cao, nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, không những đe dọa ATGT mà còn cả đối với hệ thống hạ tầng giao thông…

Đó chính là lý do dự thảo Nghị định 171 sẽ tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: Phải phạt nặng cả doanh nghiệp

Đồng thuận tăng mức phạt vi phạm giao thông - 3

Theo tôi, những hành vi có thể gây ra những hiểm họa rất nghiêm trọng thì cần phải có mức xử phạt cao, thích đáng để đủ sức răn đe. Chẳng hạn như hành vi: Chạy quá tốc độ, đi xe máy vào đường cao tốc, uống rượu say điều khiển phương tiện, chở quá tải trên 150%... Những hành vi đó tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn.

Các mức phạt phải đủ sức răn đe, bởi đó cũng chính là một hình thức giáo dục rất hiệu quả. Theo tôi, nếu phạt tiền cao quá rồi thì có thể tăng thêm hình thức phạt bổ sung như: Tước GPLX, giữ phương tiện, thậm chí tịch thu phương tiện. Xin đừng nghĩ theo cách là không nên giữ xe vì phương tiện không có lỗi gì hoặc sẽ gây lãng phí, vì thực tế đó là những hành vi rất nghiêm trọng, nếu không thực hiện hình thức đó thì rất nguy hiểm cho xã hội. Bây giờ một chiếc xe ô tô gây tai nạn làm 3 - 4 người chết nếu không tịch thu được là sao? Đó phải được coi là phương tiện gây án nên việc tịch thu là xác đáng. Không ít trường hợp theo tôi phải sử dụng hình thức đó. Vấn đề là có dám làm hay không mà thôi.

Với lĩnh vực kinh doanh vận tải, cũng cần tăng nặng xử phạt các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với chủ DN, chủ phương tiện. Hiện nay, các DN thường hay lập luận là việc vi phạm chủ yếu là do lái xe chứ không phải lỗi của họ. Thế nhưng tôi đã nhiều lần nói với các DN là “con hư tại mẹ”. Là DN mà anh không giáo dục, quản lý được lái xe thì anh nên từ bỏ kinh doanh. Làm kinh doanh vận tải mà anh khoán trắng cho lái xe là không được. Chính vì thế việc tăng nặng xử phạt các DN là rất cần thiết. Phạt DN chính là cách “túm người có tóc”, là xử lý tận gốc của vấn đề; còn lái xe họ chỉ là người làm thuê. Phải phạt nặng DN, thậm chí không cho hành nghề nữa để anh không còn dám làm liều.

Để những quy định này phát huy tác dụng, theo tôi các cơ quan truyền thông cần có sự ủng hộ và tuyên truyền để người dân chấp hành, thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần có những lộ trình nhất định đối với các hành vi tăng nặng để người dân, DN có sự chuẩn bị.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội): Nên tăng nặng các hành vi trực tiếp gây TNGT

Đồng thuận tăng mức phạt vi phạm giao thông - 4

Theo tôi, những hành vi trực tiếp dẫn đến TNGT như: Sử dụng rượu bia, đi xe máy vào đường cao tốc, vi phạm tốc độ, trọng tải… cần phải tăng nặng mức phạt bởi để bảo đảm tính răn đe, giáo dục.

Thực tế như hành vi đi xe máy vào đường cao tốc rất nguy hiểm mà chỉ phạt từ  300 - 500 nghìn đồng như hiện nay không đủ sức răn đe. Quy định tăng mức xử phạt không chỉ để đảm bảo trật tự, an toàn cho các phương tiện đi trên cao tốc mà còn để bảo toàn tính mạng, sức khỏe cho chính những người lưu thông trên cao tốc.

Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi chống đối khi bị xử phạt vi phạm theo tôi cũng là hợp lý để bảo đảm tính răn đe. Đã vi phạm mà còn chống đối là vấn đề liên quan đến ý thức. Vì thế, tăng mức xử phạt để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho lực lượng thực thi công vụ.

Theo Tiến Mạnh - Thanh Bình

Giao thông vận tải

Đồng thuận tăng mức phạt vi phạm giao thông - 5