Đội sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Nhật đua xe tiết kiệm nhiên liệu
(Dân trí) - Việc đội đua TDU2 đến từ đại học Thành Đô (Hà Nội) vô địch ngay trong lần đầu tiên tham gia đã cho thấy cuộc thi Lái xe sinh thái - tiết kiệm nhiên liệu EMC luôn chứa đựng những điều bất ngờ.
Theo lời đội trưởng Phạm Trọng Phước thì đây là cơ hội “vàng” cho các bạn sinh viên trong nhóm nói riêng và sinh viên Việt Nam vì được gia cuộc thi của hàng trăm đội đua đến từ khắp nơi trên thế giới, điều mà chưa một trường đại học nào tại Việt Nam làm được.
Trao đổi khá thẳng thắn, đội đua TDU2 không giấu những bí mật trong việc chế tạo mẫu xe của mình, mặc dù đây mới là lần đầu tiên Trọng Phước và các bạn tại khoa Công nghệ kỹ thuật ôtô, thuộc Đại học Thành Đô, tham gia, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều. Trọng Phước cho biết, chính những kiến thức trong chuyên ngành được học đã giúp nhiều cho đội đua trong việc thiết kế mẫu xe.
Bí quyết để có được một kết quả thành công như thế, theo Phước là phải có được một kết cấu xe vững chắc, một động cơ với hiệu suất cao, hệ số cản gió thấp, lực ma sát hạn chế tối đa… cùng một yếu tố khá quan trọng là người lái - phải nắm vững thời điểm khởi động, ngắt động cơ, lợi dụng quán tính và phải… nhẹ cân.
Nắm vững những yêu cầu là vậy, nhưng cũng phải đến mẫu xe thứ 3 với việc cho ra đời TDU1 vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 và hai tuần sau, mẫu TDU2 chính thức được xây dựng trên những gì mà TDU1 đi trước đặt nền móng.
Sử dụng lốp xe đạp với hệ số ma sát thấp, cấu trúc vỏ xe nhẹ với hệ số cản gió hạn chế tối đa, TDU2 không dùng vật liệu composit vì tính linh hoạt không cao và nhất là… đắt. Không những vậy, TDU2 còn không ngại ngần “trưng bày” cho tất cả các đội đua khác quan sát động cơ của nhà vô địch này: động cơ dung tích 110cc do ban tổ chức cung cấp. Đội đua đã chọn giải pháp sử dụng bộ chế hòa khí truyền thống của xe các dòng xe 100cc (Dream, Wave 100…), lựa chọn một tốc độ duy nhất ở số 4 của hộp số xe Honda. Chưa hết, đội đua TDU2 còn can thiệp vào bên trong bộ chế hòa khí để có được một tỉ lệ hỗn hợp nhiên liệu tối ưu, và cả cụm động cơ, với những can thiệp khá sâu vào tỷ số truyền của hộp số nguyên bản… Với những thay đổi này, TDU2 đạt được kết quả thử nghiệm rất khả quan - 490km/1ít trong những lần chạy thử.
Khi được hỏi tại sao tại sao không ứng dụng những công nghệ tiên tiến như bộ phun xăng điện tử mà các mẫu xe hiện đại ngày nay vẫn đang dùng để tiết kiệm nhiên liệu, đội TDU2 cho biết họ có giải pháp cho việc này, nhưng chi phí cho một bộ phun xăng điện tử sẽ chiếm tới 50% toàn bộ chi phí mà ban tổ chức cấp, do đó để cân đối các phương án, họ đã lựa chọn phương án sử dụng chế hòa khí truyền thống. (Trong cuộc thi này, đội quán quân đạt thành tích hơn 900km/1ít cũng sử dụng chế hòa khí của một máy cắt cỏ).
Hiện tại, TDU2 đang gấp rút cải tiến một số chi tiết để chuẩn bị cho cuộc thi sắp tới tại Nhật bản vào đầu tháng 9 tới. Đội tỏ ra rất tự tin rằng thành tích của mình sẽ được cải thiện, với những thông tin về đường đua cũng như cách thức tổ chức tại Nhật sẽ là những điều kiện để TDU2 thể hiện mình tốt hơn nữa.
Việc ban tổ chức thay đổi cách thức lựa chọn để đưa một đội đua đến từ các trường đại học sang Nhật thi đấu, khiến cơ hội được học hỏi kinh nghiệm từ các đối thủ nước ngoài của sinh viên Việt Nam tăng lên rõ rệt, không những vậy, đây sẽ trở thành một động lực to lớn cho sinh viên, nhất là từ các trường chuyên ngành kỹ thuật trong việc học tập và sáng tạo.
Chân dung nhà vô địch:
Việt Hưng