Bạn đọc viết
Đi tìm nguồn gốc của những Tai nạn giao thông
(Dân trí) - Bạn đọc Trương Nhất Vương (Ban Mê Thuột) đã gửi cho chúng tôi những tâm sự về các vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà trong đó, đều có một điểm chung từ chủ quan của người tham gia giao thông. Những câu chuyện mà một giảng viên dạy lái xe như anh luôn trăn trở, suy nghĩ.
Hiện trường vụ TNGT làm 2 mẹ con tử vong ngày 30/11/2013 tại Lâm Đồng (ảnh Vũ Lê)
Ai cũng biết, ai cũng hiểu, ai cũng lo… đặc biệt là nhà xe, tài xế trước, trong và sau mỗi chuyến đi đều thắp nhang cầu khấn cho những chuyến xuất hành được trở về bình an, nhưng gần như trong tất cả các tai nạn xảy ra quan niệm xui rủi vẫn luôn là câu cửa miệng của tất cả để tự an ủi.
Những người bình thường họ suy nghĩ, quan niệm thế nào về TNGT thì tôi cũng không dám cãi. Riêng các lái xe tôi nghĩ: Đừng để xảy ra va quẹt, tai nạn rồi mới “xui xẻo thì phải chịu…”.
Bởi lẽ nghề lái xe nếu được học cơ bản và thấm nhuần thì câu đầu tiên và liên tục trong suốt cuộc đời cho đến lúc dời bỏ tay lái về an hưởng tuổi già, mãi mãi nằm lòng với hai chữ CẨN THẬN.
Nhiệm vụ của lái xe là điều khiển chiếc xe đi đến nơi về đến chốn an toàn. Để làm được điều này phải hội đủ nhiều điều kiện: Phải có sức khỏe, phải có giấy phép đúng loại xe mình lái, có tâm, có tầm, có đạo đức nghề nghiệp; Biết nhường nhịn, phán đoán và xử lý các tình huống một cách khoa học, chính xác…
Một lái xe khi đã hội đủ tất cả những điều kiện cần và đủ với điều kiện tình trạng kỹ thuật phương tiện tốt thì yếu tố quan trọng bậc nhất để lái xe an toàn theo ý nghĩ chủ quan của tôi đó là tốc độ; Tốc độ phù hợp với sức khỏe lái xe, tốc độ phù hợp với khả năng lái, phán đoán, xử lý tình huống; Tốc độ phù hợp với tình trạng mặt đường, mật độ giao thông, điều kiện thời tiết, điều kiện địa hình…
Nhưng kĩ năng và kinh nghiệm là vậy, tại sao vẫn có rất nhiều tai nạn xảy ra trên đường, kể cả với những tay lái non và cả những tài già chuẩn bị về hưu?
Bệnh chủ quan chính là một căn bệnh nan y với những biểu hiện lâm sàng rất khó chuẩn đoán điều trị, đa số trong trạng thái ủ bệnh cho đến khi xảy ra TNGT thì dẫu có được cơ quan chức năng soi dưới mọi góc cạnh virut chủ quan của người lái xe (kể cả còn sống, hay đã chết) đều không có trong từ điển xem xét, hoặc có thì biện pháp xử lý là không có thuốc chữa.
Bất cứ người dân nào đi ra đường hoặc trực tiếp làm khách trên các chuyến xe thì chẳng xa lạ gì việc tài xế đua tốc độ. Ngoài những khu vực có Cảnh sát giao thông chốt chặn, đo tốc độ thì gần như tất cả các tài xế đều chạy như điên.
Các xe có gắn thiết bị giám sát hành trình khi tốc độ vượt quá quy định 70 đến 80 km/h, sẽ phát tín hiệu bíp bíp, đèn nháy đỏ liên tục, nhưng việc cảnh báo là của máy, còn việc chạy đua là chuyện của lái xe.
“Người ta chạy người ta biết, mấy người đừng rỗi hơi!” Đó là phản ứng thường thấy của lái xe khi có người nhắc nhờ hạn chế tốc độ.
Trở lại vụ tai nạn hai xe khách đối đầu ở Cam Ranh, Khánh Hòa, việc xe chở bùn, rác thải làm rơi vãi ra đường tạo tình huống bất ngờ, gây trơn trượt… là lý do hết sức bình thường trong hàng trăm, hàng triệu tác nhân bất ngờ sẵn sàng gây tai nạn trong nghề lái xe. Người bình thường thì sẽ phản ứng, nhưng người trong nghề thì không ai không biết, không từng xử lý nhất là trong điều kiện thực tế ý thức, và đường giao thông Việt Nam đó là: Đường đang rất đẹp bỗng dưng sóng trâu, ổ voi sâu hoáy. Bên này dốc thì nắng đẹp, lưng chừng dốc bên kia mưa rào, nước chảy thành suối róc rách. Những đoạn đường thi công dở dang, đào cống, rãnh, làm cầu đường các đơn vị thi công cẩu thả quên không đặt biển báo hiệu…
Đó là chưa kể, những hành động thiếu ý thức, vô văn hóa, những hành động xả rác, hắt nước bừa bãi, xả chất thải, bùn đất ra đường nhất định sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Tôi chỉ suy nghĩ rằng: Giá như tất cả các lái xe đều có suy nghĩ phía trước mình là tai nạn đang chờ, phải thật cẩn thận, phải giảm tốc độ đến mức có thể để lường, tránh hết mọi tình huống thì đâu ra nông nỗi... Nếu tất cả các lái xe đừng quá tự tin thì những người vô tội trên hai chiếc xe và gia đình, người thân của họ đâu phải sống trong những ngày ảm đạm thê lương và đau đớn đến xé trời như hôm nay.!!!
Tôi xin kiến nghị với cơ quan chức năng cần có chế tài thật mạnh kiểm tra, giám sát tốc độ của tất cả các loại xe, chứ không riêng gì xe khách. Tất cả các xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình, các chủ xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh xe phải có đội ngũ theo dõi máy, gọi điện buộc tài xế phải tuân thủ tốc độ cho phép. Nếu chủ xe, doanh nghiệp nào để xảy ra tai nạn liên quan đến tốc độ phải chịu trách nhiệm đền bù, phải đi tù, phải đình chỉ hoạt động. Chỉ gần cột trách nhiệm vào người chủ phương tiện thì sẽ hạn chế được rất nhiều, không cần phải rải CSGT ra đường thụt thò bắn tốc độ, vừa không hiệu quả vừa mất mỹ quan, vừa phát sinh tệ nạn mãi lộ.
Qua bài viết cầu cho tất cả những người đã chết vì tai nạn giao thông sống khôn thác thiêng phù hộ cho những người đang sống được yên lành và tham gia giao thông với ý thức và thái độ tích cực. Cầu cho những người bị thương mau chóng phục hồi để trở lại nhịp sống đời thường. Cầu cho tất cả lái xe luôn khắc cốt ghi tâm hai chữ CẨN THẬN và chạy chậm thì trước sau, sớm muộn gì cũng sẽ đến, đừng vội vàng, đừng nhanh một phút mà chấm hết tất cả.!
Trương Nhất Vương
Vespa GTS Super có cạnh tranh tốt với Honda SH? | ||||||
| ||||||