Đại lý xe máy đua nhau nâng giá
Xe máy không khan hiếm nhưng nhiều mẫu bán ra trên thị trường tăng giá mạnh so với giá nhà sản xuất công bố. Mẫu xe tăng cao nhất lên tới 6,5 triệu đồng/chiếc.
Xe Honda - Quán quân “chênh” giá
Các mẫu xe tăng giá nhiều nhất và mạnh nhất vẫn thuộc về sản phẩm của Công ty Honda Việt Nam. Hiện nay tất cả các mẫu xe của nhà sản xuất này đều có giá bán cao hơn giá công bố của nhà sản xuất. Mẫu xe tăng thấp nhất cũng tăng 300.000 đồng và cao nhất lên tới 6,5 triệu đồng/chiếc.
Cụ thể, mẫu xe Wave Alpha, giá công bố của nhà sản xuất là 13.390.000 đồng nhưng các đại lý tại Hà Nội đang bán ra ở mức 15,39 đến 16,2 triệu đồng/chiếc. Mẫu xe Wave RSX phiên bản vành đúc giá công bố của nhà máy là 17,9 triệu đồng/xe nhưng các cửa hàng đang bán ra mức 20.000.000 đồng, mẫu xe Wave RS vành đúc giá bán 17,99 triệu đồng thì các cửa hàng bán ra mức 18,5 triệu đồng/xe.
Cao nhất là mẫu xe Air Blade FI giá xe màu đen trên thị trường hiện là 38,5 triệu đồng, màu đỏ giá 37,5 triệu đồng/chiếc trong khi giá công bố là 31,99 triệu đồng/xe. Mẫu xe Lead tuy đã giảm so với trước đây nhưng vẫn ở mức 33,5 triệu đồng/xe với 4 màu đen, đỏ, trắng, bạc; còn 2 màu vàng và hồng ở mức 34,5 triệu đồng, chênh hơn 3 triệu đồng/xe...
Liệu có phải thị trường xe máy đang thiết lập mặt bằng giá mới? (Ảnh: Vietnamnet)
Không chỉ có xe của Honda Việt Nam tăng giá, mà một số mẫu xe của Công ty Yamaha Việt Nam cũng tăng giá từ 400.000 đồng đến 2,5 triệu đồng mỗi xe. Mẫu Sirius phanh cơ, giá công bố là 16,2 triệu đồng đang được các cửa hàng bán ra mức 16,8 triệu đồng, còn bản phanh đĩa giá công bố 17,2 triệu đồng đang được bán ra mức 17,8 triệu đồng/xe. Xe Nouvo 135cc có mức tăng giá mạnh nhất: giá công bố của nhà sản xuất là 32,5 triệu đồng thì giá bán ra mức 35 triệu đồng.
Các đại lý bán xe máy cho biết từ tháng 4/2009 đến nay các mẫu xe này tăng giá và không giảm. Đây là hiện tượng lạ bởi một số mẫu xe Wave và Sirius từ năm 2008 trở về trước thường vẫn được bán dưới giá công bố, chỉ tăng vào từng thời điểm ngắn, ít khi kéo dài. Trong khi năm 2009, kinh tế khó khăn nhu cầu về xe máy giảm đáng lẽ ra giá xe phải giảm nhiều hơn mới hợp lý.
Xe sẵn, giá vẫn tăng
Một câu hỏi đặt ra có phải do kinh tế suy thoái nên các nhà sản xuất đã cắt giảm sản lượng, lượng xe cung cấp ra thị trường giảm dẫn đến thiếu xe nên giá tăng?
Trả lời câu hỏi này các nhà sản xuất như Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam đều khẳng định họ không hề cắt giảm sản lượng, thậm chí sản lượng nhiều mẫu xe còn tăng so với cùng kỳ 2008. Số liệu từ Công ty Honda Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm 2009 họ đã sản xuất và đưa ra thị trường tổng cộng 719.000 xe máy các loại, tăng 6% so với cùng kỳ 2008, trong đó xe tay ga là 189.651 xe tăng 160% so với cùng kỳ và xe số là 529.349 xe tương đương với cùng kỳ 2008.
Trên thực tế thị trường xe máy không có hiện tượng khan hiếm xe. Nhu cầu về xe máy trong thời gian qua cũng không tăng cao, các đại lý xe máy cũng cho biết lượng khách hàng mua xe không nhiều.
Vậy vì sao xe máy lại tăng giá? Trả lời câu hỏi này các nhân viên bán hàng cho biết đại lý cho biết là do giá thị trường tăng. Khi hỏi giá thị trường tăng cụ thể là gì, thì họ nói thấy các cửa hàng khác tăng giá nên họ cũng tăng.
Qua tìm hiểu được biết các cửa hàng đã “té nước theo mưa” tăng giá xe máy các loại dựa vào việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe máy từ 125cc trở lên, thực hiện từ 1/4/2009. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt mới áp dụng từ 1/4/2009 đã đưa xe máy từ 125cc trở lên vào diện chịu thuế với mức thuế suất là 20%. Tính từ thời gian này nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu có dung tích xi lanh từ 125cc trở lên như Nouvo 135, Exciter (Yamaha), Excel (SYM), LX (Piaggio), Spacy, SH (Honda)... đã tăng giá bán khoảng 20%. Thấy những loại xe đắt tiền tăng giá nhiều đại lý đã đẩy giá xe tăng theo tạo nên một mặt bằng giá mới, nhất là những mẫu xe được nhiều người ưa chuộng.
Một vài đại lý xe máy Honda còn nói rằng trong hai năm 2006 và 2007, họ bị thua lỗ nhiều, có đại lý khi đó lỗ tới 3 tỷ đồng/năm, nên nhân cơ hội này tăng giá xe để bù khoản lỗ trước đó.
Theo Trần Thuỷ
Vietnamnet