“Cuộc chiến” giá xe: Doanh nghiệp nhập ôtô “phản pháo”

Đại diện các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) thắc mắc tại sao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vốn rất thành công đối với các ngành khác, nhưng riêng với ngành lắp ráp ôtô thì chỉ luôn luôn nhận được than phiền và yêu cầu chính sách hỗ trợ đặc biệt.

“Cuộc chiến” giá xe: Doanh nghiệp nhập ôtô “phản pháo”

Giá xe ôtô tưởng chừng sẽ giảm theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, nhưng nếu chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực, thì giấc mơ ôtô sẽ ngày một xa tầm với của nhiều người dân - Ảnh: Việt Tuấn.

Đây là ý kiến được đại diện VIVA vừa có công văn phản hồi về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với đề xuất giữ nguyên chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện hành.

Tại văn bản này, VIVA chất vấn: “Cần phải đặt một dấu hỏi về hiệu quả của các doanh nghiệp lắp ráp ôtô đã sử dụng ưu đãi của Nhà nước như thế nào? Nếu họ không thực hiện đúng cam kết và sử dụng không hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã và đang nhận được, thì liệu những ưu đãi tiếp theo (nếu có) có thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đề ra đối với ngành công nghiệp ôtô?”.

Nhìn nhận sự “thiên vị” này, đại diện các nhà nhập khẩu ôtô này cho rằng cần làm rõ đặc điểm, tính chất của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng và các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước trong tương quan chuỗi cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng.

Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đều là những chủ thể kinh tế độc lập có ký kết hợp đồng nhập khẩu với nhà sản xuất chính hãng. Các doanh nghiệp này không có quan hệ phụ thuộc về vốn dưới bất kỳ hình thức nào đối với nhà sản xuất và thực chất chính là một nhà phân phối buôn đứt bán đoạn đối với nhà sản xuất chính hãng.

Xét về mối quan hệ đặc biệt giữa đơn vị cung ứng linh kiện CKD và doanh nghiệp lắp ráp ôtô, VIVA cho rằng trong đa số trường hợp, đơn vị cung ứng linh phụ kiện CKD chính là công ty mẹ của doanh nghiệp lắp ráp.

“Nếu thiếu kiểm soát trong hoạt động mua bán linh phụ kiện CKD của các công ty cùng tập đoàn, Việt Nam sẽ rất dễ bị thất thu thuế do việc chuyển giá ra nước ngoài và đồng thời dễ dẫn tới một môi trường cạnh tranh không lành mạnh”, VIVA khuyến cáo.

Về nhận định của Hiệp hội Các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu chưa bảo đảm công bằng với hàng sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu”, VIVA đánh giá là chưa chính xác và mang tính chủ quan.

Các nhà nhập khẩu xe cho rằng, quy định hiện hành về việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu “là giá tính thuế nhập khẩu (giá CIF) cộng với thuế nhập khẩu” là chính xác, phù hợp và nhất quán.

Bởi vì giá CIF đã bao gồm toàn bộ: giá thành sản xuất của nhà sản xuất (hay giá vốn) cộng (+) chi phí bán hàng của nhà sản xuất chính hãng (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành... nếu có) cộng (+) với lãi của nhà sản xuất chính hãng.

Vì thế, VIVA nhận định, về bản chất, cơ sở giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu là tương đồng với nhau, cả hai đều có đầy đủ các khoản mục chi phí tương tự nhau.

Từ những phân tích trên, VIVA đưa ra hai phương án đề xuất để Bộ Tài chính xem xét.

Theo phương án 1, VIVA đề nghị giữ nguyên phương thức và giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng dẫn hiện hành.

Về phương án 2, VIVA đề nghị bổ sung quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của doanh nghiệp nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nội địa khi doanh nghiệp nhập khẩu ôtô bán ra.

Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu được tính trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu. Trường hợp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu bán ra trong nước nhỏ hơn số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu (số thuế tiêu thụ đặc biệt âm), thì doanh nghiệp nhập khẩu được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt tính được khi bán ra trong nước.

VIVA cũng đề xuất bổ sung quy định định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước, theo đó sử dụng giá bán ra của nhà phân phối thay vì sử dụng giá bán của doanh nghiệp lắp ráp, để đảm bảo tính tương đồng nhất quán đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu.

Nhận định về phương án này, VIVA cho rằng nếu áp dụng giá trị thuế thu được có thể sẽ cao hơn nhưng với điều kiện doanh số xe không sụt giảm vì phải chịu quá nhiều thuế.

Tuy nhiên, phương án này được cho là sẽ tạo ra sự phức tạp trong cách tính thuế, gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp trong việc báo cáo thuế cũng như xây dựng chính sách bán hàng của các doanh nghiệp, đẩy giá bán xe ôtô lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu chính hãng lên cao, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển thị trường ôtô của Việt Nam.

Liên quan tới tác động của việc điều chỉnh cách tính thuế trên, VIVA cho rằng việc sử dụng sắc thuế này để bảo hộ cho một mặt hàng cụ thể (mặt hàng ô tô) sẽ làm giảm tính nhất quán và rõ ràng của hệ thống pháp luật về thuế, và tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp tương tự.

Từ phân tích các điểm lợi hại này, VIVA kiến nghị giữ nguyên chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện hành để đảm bảo tính ổn định cho thị trường và công bằng cho các doanh nghiệp.

Theo Lê Trà

Vneconomy

“Cuộc chiến” giá xe: Doanh nghiệp nhập ôtô “phản pháo”
 
“Cuộc chiến” giá xe: Doanh nghiệp nhập ôtô “phản pháo”