Các hãng xe nói gì về "quả bom" thuế nhập khẩu của ông Trump?

(Dân trí) - Ảm đạm và sụp đổ là hai từ chính xác nhất mà các hãng xe muốn dùng để nói về viễn cảnh tương lai nếu chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump kết luận ô tô nhập khẩu là một mối đe doạ đối với an ninh quốc gia, nên cần áp thuế cao.

Các hãng xe nói gì về quả bom thuế nhập khẩu của ông Trump? - Ảnh 1.

(Ảnh: Reuters)

Hồi cuối tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã mở một cuộc điều tra theo lệnh của ông Trump để xác định xem ô tô nhập khẩu có phải mối đe dọa cho an ninh quốc gia không để còn áp thuế lên đến 25%.

Hơn 2.300 ý kiến đã được gửi đến Bộ Thương mại trước khi các phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 19 và 20/7 tới. Dưới đây là một số ý kiến từ các hãng sản xuất ô tô lớn:

General Motors (GM): Thuế NK cao có thể khiến công ty thu hẹp quy mô tại Mỹ và không còn tạo ra nhiều việc làm như hiện tại cho Mỹ. Hoạt động của công ty ở các thị trường khác cũng có thể bị ảnh hưởng do các biện pháp trả đũa từ các nước.

GM hiện có 47 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 110.000 người tại Mỹ.

Ford, Fiat Chrysler: Ước tính, mức thuế nhập khẩu 25% sẽ tương ứng với gánh nặng 83 tỷ USD đè lên ngành công nghiệp ô tô và người tiêu dùng Mỹ.

Toyota: Thuế NK 25% sẽ làm tăng giá xe sản xuất tại Mỹ vì có nhiều linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này hiện có 10 nhà máy tại Mỹ và nhà máy thứ 11 liên doanh với Mazda sẽ sớm được xây dựng, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 137.000 người.

Nissan: "Với tiềm lực của mình tại Mỹ, hãng có thể dễ dàng đáp ứng các yêu cầu quốc phòng của Mỹ mà không cần phải hạn chế nhập khẩu ô tô hay phụ tùng."

Nissan hiện sở hữu nhà máy ô tô lớn nhất nước Mỹ, tạo việc làm cho 22.000 người.

BMW: Thuế nhập khẩu phụ tùng tăng sẽ khiến chi phí sản xuất xe tại Mỹ tăng, có thể khiến lượng xe xuất khẩu giảm.

BMW là hãng ô tô duy nhất hiện nay có sản lượng tại Mỹ cao hơn doanh số.

Daimler: "Việc đánh thuế vào các phụ tùng nhập khẩu sẽ dẫn đến việc giảm lượng xe được sản xuất tại Alabama. Sản lượng xe giảm cũng đồng nghĩa với sự cắt giảm nhân công người Mỹ."

Tập đoàn Daimler hiện sử dụng hơn 24.000 nhân công tại Mỹ.

Volkswagen: Không thấy việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng như hiện nay có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và cho rằng kế hoạch tăng thuế là không thuyết phục.

Volkswagen đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 50.000 người tại Mỹ.

Hyundai: Việc tăng thuế sẽ gây ảnh hướng lớn và có thể gây nguy hiểm cho những kế hoạch của hãng trong việc mở rộng sản xuất tại Mỹ, bên cạnh đó cũng sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực của ông Trump trong việc ngăn cản tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Hyundai đang tạo hơn 25.000 việc làm trực tiếp tại nhà máy và 47.000 việc làm gián tiếp tại các đại lý ở Mỹ.

Volvo: Một nửa trong số 4.000 nhân viên dự kiến sẽ làm việc tại nhà máy của hãng có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, và nếu hãng không thể kinh doanh một cách tự do, số lượng việc làm cho người dân Mỹ sẽ bị cắt giảm.

Volvo vừa mở nhà máy đầu tiên tại Mỹ ở bang South Carolina cách đây vài tuần và hiện có gần 300 đại lý.

Jaguar Land Rover: Những ảnh hưởng bất lợi mà việc tăng thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô gây ra cho nền kinh tế có thể sẽ lớn hơn nhiều so với những lợi ích về mặt an ninh quốc gia mà chính phủ Mỹ đề cập tới.

JLR hiện sử dụng trực tiếp hoặc thông qua các đại lý tổng cộng khoảng 8.000 nhân công, cộng thêm 2.500 nhân công thông qua mạng lưới cung cấp và phân phối của hãng tại Mỹ.

Mazda: Mối quan tâm lớn nhất của hãng là người tiêu dùng sẽ không còn hứng thú với việc mua xe ô tô, đồng thời cảnh báo về việc nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như thị trường lao động Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh.

Lạc Diệp
Theo Bloomberg


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm