Các hãng xe điện Trung Quốc bị ép chuyển giao công nghệ ở châu Âu?
(Dân trí) - Trước đây, Trung Quốc từng ra điều kiện cho các hãng xe nước ngoài nếu muốn sản xuất tại Trung Quốc thì phải liên doanh với doanh nghiệp địa phương. Giờ đây tình thế có vẻ đang đảo ngược.
Theo Financial Times, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch đưa ra quy định mới, yêu cầu các công ty Trung Quốc chuyển giao sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xe điện cho doanh nghiệp địa phương để đổi lấy trợ cấp. Dự kiến quy định này sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 12 và áp dụng cho các ưu đãi phát triển pin trị giá 1 tỷ euro (1,05 tỷ USD).
Tờ Financial Times trích dẫn lời của hai quan chức cấp cao EU cho biết chương trình này có thể được triển khai cho các chương trình trợ cấp khác. Tuy nhiên, các chi tiết chính xác vẫn chưa được chốt và có thể thay đổi.
Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng kế hoạch này giống như một liều thuốc độc. Nó có thể khiến các công ty Trung Quốc ngần ngại, không muốn theo đuổi các ưu đãi sản xuất ở châu Âu nữa, vì không muốn chia sẻ công nghệ với các đối thủ châu Âu. Nếu như vậy, điều này sẽ có lợi cho các công ty châu Âu, vì việc xin ưu đãi có thể sẽ có ít cạnh tranh hơn.
Không rõ liệu đó có phải là điều giới chức EU hướng tới hay không, nhưng theo Financial Times, EU cần cân nhắc thận trọng vì các tập đoàn Trung Quốc như CATL và Envision Energy đã đầu tư rất nhiều vào các cơ sở ở châu Âu. Đồng thời, động thái này có thể khiến Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa.
Điều này không phải là chưa từng xảy ra. Trung Quốc đã áp dụng mức thuế cao đối với rượu mạnh của châu Âu để đáp trả việc châu Âu nhắm mục tiêu vào xe điện của mình. Vào thời điểm đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ cũng có thể nhắm mục tiêu vào thịt lợn và sữa nhập khẩu cũng như "xe chạy bằng nhiên liệu có dung tích lớn" như xe sedan hạng sang và xe thể thao.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã chốt phương án áp thêm mức thuế lên tới 35% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, bên cạnh mức thuế 10% hiện hành với ô tô nhập khẩu nói chung. Nền kinh tế châu Âu này cũng đưa ra các điều kiện khó hơn đối với các hãng xe điện xin trợ cấp từ chính phủ. Theo đó, bất kỳ sản phẩm nào muốn nhận trợ cấp thì tỷ lệ linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc phải dưới 25%.