Bổ nhiệm CEO mới: thêm một bất ngờ ở Chrysler
(Dân trí) - Ngày 6/8, Chrysler đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trên trang sử mới kể từ sau khi chuyển đổi thành tư nhân: bổ nhiệm Bob Nardelli - ông sếp hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi ở hãng xây dựng và nâng cấp nhà cửa Home Depot - vào vị trí Tổng giám đốc công ty.
Bob Nardelli, một thời từng là chuyên viên cấp cao ở tập đoàn đồ điện tử General Electric, chia tay Home Depot vào hồi tháng 1 đầu năm trong những lời đàm tiếu không hay về khoản thu nhập cao bất thường trong khi giá cổ phiếu công ty ngày càng trì trệ.
Giờ đây với tư cách là Tổng giám đốc hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 3 nước Mỹ, chắc chắn có nhiều thử thách mà Nardelli không thể trốn tránh, trong đó bao gồm những cuộc đàm phán “toát mồ hôi hột” với Hiệp hội Công nhân ngành ô tô Mỹ, cắt giảm lương bổng để tăng tính cạnh tranh với các đối thủ nặng ký như Nissan, Honda, Toyota...
Với tư cách công ty tư nhân, Chrysler có quyền từ chối tiết lộ thông tin về những khoản chi dành cho lãnh đạo. Tuy nhiên theo phỏng đoán, mức lương hàng năm của Nardelli có thể vào khoảng... 1 USD, kèm theo cổ phần sở hữu nếu như vị tân Tổng giám đốc có thể lèo lái công ty kinh doanh có lãi.
Ở Home Depot, phong cách lãnh đạo “kết quả là trên hết” của Nardelli đã đem lại tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, dù khiến không ít công nhân viên và khách hàng cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên, rất có thể đây là “liều thuốc tốt” cho thể trạng ốm yếu của Chrysler như hiện nay - George Magliano, Giám đốc Ban nghiên cứu ngành công nghiệp xe hơi châu Mỹ thuộc Global Insight khẳng định.
Với sự bổ nhiệm của Nardelli, đây là lần thứ 2 trong chưa đầy một năm, một công ty xe hơi lớn của nước Mỹ gọi “kẻ ngoại lai” vào vị trí lãnh đạo. Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 9 năm ngoái, khi Ford đưa cựu giám đốc Alan Mulally của hãng Boeing vào vị trí CEO, thay thế “người nối dõi” Bill Ford sau khi để công ty thua lỗ 1,44 tỷ USD trong nửa đầu năm 2006.
Kể từ khi bước vào ngành sản xuất xe hơi năm 1925, Chrysler luôn phải vật lộn quyết liệt dưới cái bóng khổng lồ của 2 ông lớn GM và Ford. Năm 1979, vị giám đốc nổi tiếng Lee Iacocca của Ford đã được phái tới để giúp Chrysler thoát bờ vực phá sản, tuy nhiên vì là công ty nhỏ nền đến năm 1998, Chrysler không thể từ chối lời chào mua lại của Daimler-Benz.
Hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng cho Cerberus quý I đầu năm nay, lãnh đạo Chrysler tin tưởng rằng chế độ sở hữu tư nhân sẽ giúp công ty tập trung hơn vào tăng trưởng dài hạn. Dù sao thì công ty cũng khó mà sinh lời trước năm 2008 với các chiến lược cải tổ, cắt giảm nhân công và đóng cửa nhà máy.
Khôi Vinh
Theo MSNBC