Bảo tàng Harley-Davidson: Đam mê hội tụ
(Dân trí) - Thành phố Milwaukee thuộc tiểu bang Wisconsin của nước Mỹ thời gian gần đây bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường, sau khi Bảo tàng Harley-Davidson chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Đây là công trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của Harley-Davidson và được đặt ngay bên bờ sông Menomenee của thành phố Milwaukee.
Thành phố này cũng chính là nơi Harley-Davidson đặt trụ sở công ty kể từ khi hai chàng thanh niên Arthur Davidson, 22 tuổi, và William Harley, 23 tuổi, cùng nhau cho ra đời chiếc mô-tô đầu tiên của họ vào năm 1903.
Lễ khánh thành bảo tàng có sự góp mặt của thống đốc bang Wisconsin, thị trưởng thành phố Milwaukee, 4 ban nhạc và một nghệ sĩ xăm hình.
Với thực tế là Harley-Davidson hiện vẫn chiếm một nửa doanh số mô-tô phân khối lớn tại Mỹ và có các câu lạc bộ người hâm mộ ở khắp nơi trên thế giới, thì không có gì ngạc nhiên khi lãnh đạo công ty dự đoán bảo tàng này sẽ thu hút 350.000 khách tham quan mỗi năm.
(Ảnh: WSJ)
Sau 8 năm thiết kế và xây dựng, bảo tàng trị giá 75 triệu USD này của Harley-Davidson đã chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 12/7/2008. Lập tức, các fan của mác mô-tô Mỹ lừng lẫy này rủ nhau đổ về đây, diện đồ may bằng chất liệu vải bông và da, quần jean mài rách, đi bốt, và cưỡi những chiếc xe Harley sở hữu tiếng nổ giòn đục đặc trưng, gây náo động cả một đoạn đường dài.
Dẫn tới bảo tàng là hai con đường có những đường kẻ màu da cam giống ở những đường đua mô-tô nổi tiếng như Daytona hay Sturgis. Ngay phía trên bãi đậu xe mô-tô là biểu tượng Harley-Davidson kiểu không gian 3 chiều. Và ánh mắt khách tham quan sẽ tập trung vào bức tượng lớn bằng đồng, hình một người điều khiển mô-tô leo núi, với một cánh tay giơ lên để giữ thăng bằng. Như thể tất cả những thứ đó chưa đủ hâm nóng nhiệt huyết của người hâm mộ, Harley-Davidson còn cho treo tấm biển đề “No Cages”, với hàm ý rằng không có ô tô hay bất cứ loại xe 4 bánh này được phép đỗ trong khu vực dành riêng cho mô-tô.
Toàn bộ diện tích bãi đậu xe đủ chỗ cho 1.000 mô-tô và 500 ô tô. Khuôn viên bảo tàng với tổng diện tích 20 mẫu đủ sức chứa cùng lúc 15.000 người, riêng khu vực trưng bày có sức chứa 1.300 người. Ban lãnh đạo công ty thậm chí còn khuyến khích tổ chức đua xe, tiệc tùng và đám cưới tại đây.
Ông James Biber của công ty kiến trúc Pentagram Architect được chọn thiết kế bảo tàng này cho biết 3 toà nhà của bảo tàng hoàn toàn mang phong cách của thế giới mô-tô. Khi bắt tay vào thiết kế, ông cho rằng hình thức các toà nhà của bảo tàng không thể tạo cảm giác phô trương, quá hiện đại, hay quá cổ kính. “Nó vừa phải tạo không khí như mái nhà chung của những tay lái mô-tô, vừa thân thiện với những người chưa biết gì về Harley”.
Thiết kế nội thất bảo tàng cũng mang đậm tinh thần Harley-Davidson, từ cách bố trí đèn mô phỏng kiểu ống xả cho tới những chiếc máy hong tay trong buồng vệ sinh nữ cũng kêu gọi “Feel the Power” (Cảm nhận sức mạnh) trước khi phả làn hơi nhẹ ra hong khô tay bạn.
Trong khu trưng bày ở trên gác, Bảo tàng bắt đầu kể câu chuyện về lịch sử 105 năm của Harley-Davidson, từ khi chỉ là một ngôi nhà tuyềnh toàng 3x4,5m cho tới hiện tại, với nhà máy công suất hơn 330.000 xe mỗi năm.
Phải mất khoảng 2 tiếng để tham quan hết bảo tàng. Nơi đây giới thiệu đầy đủ về cơ chế hoạt động của động cơ, về các câu lạc bộ Harley-Davidson, về văn hoá, quá trình thiết kế, các cuộc đua. Trong phòng trưng bày và giới thiệu động cơ có những động cơ mẫu treo trên tường, với một nút bấm ở bên cạnh để khách tham quan có thể nghe thử tiếng của từng động cơ.
Bảo tàng cũng giới thiệu lịch sử đua xe và đua địa hình của Harley-Davidson, với những chiếc xe đua thật và ảnh chụp các tay đua nổi tiếng của họ từ thập niên 20, 30 và 40. Có cả ảnh của những huyền thoại như Joe Petrali, người đã phá kỷ lục tốc độ mặt đất vào năm 1937 với tốc độ 136 dặm/h, tương đương 218,87km/h.
Nếu lâu nay bạn vẫn nghĩ rằng Harley chỉ toàn xe cho những người thích nổi loạn, hãy nghĩ lại. Harley-Davidson đã được chọn làm phương tiện cho cả cảnh sát và một số cơ quan chính phủ. Tại Bảo tàng Harley-Davidson có trưng bày những chiếc mô-tô 3 bánh mà cơ quan bưu chính Mỹ đã dùng vào năm 1916, vì những chiếc xe này có chi phí bảo trì rẻ hơn dùng ngựa.
Bảo tàng cũng trưng bày những chiếc mô-tô cảnh sát Harley sản xuất trong suốt hơn 100 năm qua. Hơn thế, ở đây, người hâm mộ có cơ hội chiêm ngưỡng hình ảnh những phụ nữ lái xe Harley từ những ngày mác xe này mới ra đời cho đến nay. Có khá nhiều bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của nữ giới trong lịch sử lâu đời của Harley, như Amy và Effie Hotchkiss, hai mẹ con đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên đi xuyên Mỹ trên một chiếc mô-tô vào năm 1915, đó là một chiếc xe thùng (sidecar) động cơ V-Twin 3 tốc độ; hay Vivian Bales - người phụ nữ đã lái mô-tô từ Georgia tới thành phố Milwaukee khi mới chỉ ở tuổi 20, vào năm 1929. Đến nay, theo thống kê, 12% người dùng xe Harley là phụ nữ.
Bên trong bảo tàng còn có quầy cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… - một thế giới thu nhỏ của Harley-Davidson. Bảo tàng bán vé vào cửa là 16 USD đối với người lớn, 10 USD với trẻ em từ 5 đến 17 tuổi, 12 USD với sinh viên và người cao tuổi (trên 65 tuổi), và miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Một không gian mở, nơi khách tham quan có thể xem các video về những tay đua nổi tiếng (Ảnh: WSJ)
Lê Gia
Tổng hợp