Án phạt 740 triệu USD cho 9 hãng phụ tùng ôtô Nhật vì thao túng giá
Hãng AFP ngày 27/9 cho biết 9 hãng phụ tùng xe hơi Nhật Bản và 2 giám đốc điều hành đã thừa nhận hành vi thao túng giá trên thị trường Mỹ, đồng thời chấp nhận nộp phạt hơn 740 triệu USD.
Trong một thông báo đưa ra hôm thứ Năm (26/9), Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 9 công ty này đã móc ngoặc để “làm giá” hơn 30 mặt hàng linh kiện ôtô cung cấp cho các hãng sản xuất xe hơi của Mỹ như tập đoàn Chrysler, Ford Motor, General Motors cùng các công ty con tại Mỹ của Honda, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Toyota và Subaru. Các sản phẩm bị thao túng giá bao gồm: đai an toàn, bộ tản nhiệt, kính chắn gió, điều hòa, cửa sổ điện và hệ thống trợ lực lái.
Danh sách này bao gồm Hitachi Automotive Systems Ltd, Mitsubishi Electric Corp., Mitsuba Corp., Jtekt Corp., NSK Ltd., Mitsubishi Heavy Industries Ltd., T.RAD Co., Valeo Japan Co. và Yamashita Rubber Co. Trong số đó, Hitachi Automotive Systems - công ty chuyên cung cấp các phụ tùng như cảm biến gió và hệ thống kiểm soát lái của ôtô - chịu mức phạt lớn nhất là 195 triệu USD. Tập đoàn Mitsubishi Electric chịu mức án phạt lớn thứ 2 với 190 triệu USD.
Hành vi thao túng giá nêu trên diễn ra trong vòng hơn một thập kỷ từ năm 2000-2012.
“Những âm mưu ấn định giá đã gây thiệt hại ít nhất 5 tỷ USD cho các hãng cung cấp phụ tùng xe hơi khác tại Mỹ và ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng”, Tổng chưởng lý Mỹ Eric Holder nhấn mạnh.
Án phạt dành cho 9 công ty Nhật Bản là động thái mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc đàn áp các hành vi “làm giá” và gian lận đấu thầu trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Trước đó, hồi tháng 7/2013, Bộ Tư pháp Mỹ cũng vừa phạt hãng điện tử Panasonic của Nhật Bản cùng 11 công ty khác và 15 giám đốc điều hành hơn 874 triệu USD vì thao túng giá phụ tùng xe hơi.
Câu chuyện thao túng và chuyển giá linh kiện ôtô của các hãng xe Nhật cũng đã được nêu lên tại Việt Nam từ cả chục năm nay. Hậu quả của việc làm này là xe lắp ráp trong nước đắt tương đương xe nhập khẩu, dù hưởng ưu đãi lớn về thuế suốt gần hai thập kỷ qua. Trong khi đó, phần lớn tiền bán xe lại bị chuyển ra nước ngoài, khiến ngành thuế bị thất thu không nhỏ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, không Bộ ngành nào đủ khả năng làm rõ nghi vấn trên, khiến người tiêu dùng vừa phải đóng thuế cao cho nhà nước, vừa góp lợi nhuận của công ty mẹ của các hãng ở nước ngoài.
Theo Vân Du (Songmoi)