10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam!

(Dân trí) - Đã có nhiều triệu USD đầu tư cho công nghiệp ô tô Việt Nam trong bao năm qua, nhưng kết quả vẫn chỉ là “dự kiến”. Trong khi đó, dự án trị giá chưa đến 10 triệu đồng của Nguyễn Quốc Toàn - SV ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - sau 6 tháng đã cho một kết quả hết sức ấn tượng: chiếc xe đua có tên Formula1-0378.

Giới mê xe trên các Diễn đàn ô tô gần đây đã choáng váng khi anh Nguyễn Quốc Toàn tại TP Buôn Ma Thuột, Daklak, cho ra mắt chiếc xe đua do anh tự lắp ráp có tên Formula1-0378. Điều đáng nói ở đây là chiếc xe có thể vận hành bình thường với các chi tiết cấu thành đều được mua lại từ các trung tâm mua bán phế liệu! Cho dù không thể đạt được khả năng vận hành như một chiếc xe đua F1 thực thụ, nhưng với số tiền đầu tư dưới 10 triệu đồng và thời gian 6 tháng thì đây vẫn là một kỳ tích.

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 1

 Chiếc Formula1-0378

 

Toàn sinh năm 1982 và vẫn là SV khoa Động lực học của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (khoá 2000-2005) vào thời điểm tháng 6 năm 2005 - khi anh bắt tay vào thực hiện dự án “xe đua F1”. Ban đầu, ý tưởng này của anh bị gia đình và bạn bè cho là rồ dại và viển vông, nhưng đam mê và kiến thức về xe đủ để anh không nản lòng.

 

Toàn bắt tay vào việc khi mua được một động cơ 2 kỳ 198cc, hộp số và cầu sau của chiếc Lambro 550 sản xuất từ năm1965 với giá 1,7 triệu đồng. Với sự góp sức của một người anh họ có kinh nghiệm thực tế về cơ khí ô tô, Toàn lên kế hoạch chi tiết chế tạo xe.

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 2

 Hộp số và động cơ Lambro 550 dung tích 198cc, 9,2 mã lực!

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 3

 Sát-xi bằng ống nước, thép chữ V và tay lái điều chỉnh thủy lực

 

Công việc đầu tiên phải làm là dựng sát-xi và hệ truyền động. Toàn dùng ống nước và thép chữ V hàn ghép để tạo một sát-xi cấu trúc hình thang như của các xe việt dã. Sau đó anh hàn gá cầu sau của chiếc Lambro và cụm treo trước của một chiếc Mazda cũ kết hợp hệ thống lái của Kia vào sát-xi theo các thông số đã định trước.

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 4

 Dẫn động cầu sau của Lambro 550

 

Khi hệ truyền động đã thành hình, Toàn dùng các chi tiết mua lại từ các cửa hang phế liệu như: trục lái của xe MAZ (của Liên Xô cũ), may-ơ, piston phanh của xe Bắc Kinh, cụm phanh tay xe UAZ, cơ cấu chuyển số trên cụm lái (có lẽ là của một chiếc Toyota Hiace đời cũ) để hoàn thiện chiếc xe.

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 5

Thiết kế tính "toàn cầu", lốp cả Michelin và Hankook, bình xăng và chế hòa khí Honda Wave!

 

Cấu hình mang đậm tính “toàn cầu” này còn thể hiện rõ nét khi Toàn trang bị cho chiếc xe “yêu” bộ lốp trước 185/65R14, lốp sau 195/70R14, nhưng lốp bên lái là Michelin (Pháp) và bên phụ lại là Hankook (Hàn Quốc)!

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 6

 Động cơ tăng nạp sử dụng quạt gió IFA!

 

Vì hộp số Lambro bị hỏng xích tải cho số lùi nên Toàn đã bỏ hẳn số lùi, chỉ để 4 số tiến. Động cơ Lambro do quá cũ nát và mất nhiều phụ tùng nên sau khi phục hồi được phần cơ, Toàn thay bộ chế hòa khí ("bình xăng con", theo cách gọi ở miền Nam - PV) của xe Honda Wave 100 nhưng với gích-lơ lớn hơn (95) để đảm bảo cấp đủ nhiên liệu cho động cơ. Nhưng do động cơ nhỏ, công suất yếu nên Toàn đã dùng giải pháp tăng nạp cho động cơ bằng một quạt gió của xe tải IFA (Đông Đức cũ) và bầu lọc gió lấy từ một chiếc máy phát điện quân sự cũ của Mỹ nối thẳng vào cổ hút chế hòa khí!  

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 7

 Hệ thống điện sử dụng nhiều đồ của Liên Xô cũ

 

Do phụ tùng của xe Liên Xô có thể mua được dễ dàng, Toàn cũng trang bị hệ thống đánh lửa bán dẫn TK của xe tải ZIL 130 (Liên Xô cũ) và hệ thống đèn tín hiệu, đồng hồ nạp, đồng hồ xăng của GAZ 69 cho chiếc “F1” này. Ngoài ra những chi tiết nhỏ như bình nhiên liệu, còi, khóa nắp ca-pô… Toàn cũng tận dụng triệt để từ phụ tùng bỏ đi của xe… Honda Future!

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 8

 Ghế thể thao với khung sắt bọc simili

 

Sau 6 tháng làm việc miệt mài với chi phí chưa đến 10 triệu đồng, Toàn đã hoan hỷ gọi tên đứa con tinh thần của mình là Formula1-0378 khi chiếc xe cất tiếng chào đời đầy kiêu hãnh trong một ngày đầu năm 2006.

 

Thành công. Đó là khi người ta luôn dành nhiệt huyết và trách nhiệm cho những gì mình đã định.

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 9

 

10 triệu đồng và chiếc xe “F1” chế tạo tại Việt Nam! - 10

Thành quả của 6 tháng lao động

 

Sẽ có người cho rằng đây là chuyện nhỏ, lại giống chuyện “Bác Hai Lúa làm máy bay”. Có lẽ vậy.

 

Thông số kỹ thuật

 

Model: Formula1-0378

Năm sản xuất: 2006

Dài: 3200mm

Rộng: 1600mm

Cao: 1100mm

Chiều dài cơ sở: 1850mm

Độ cao gầm xe: 150mm

Kiểu dẫn động: động cơ đặt trước và dẫn động cầu sau

Hộp số: 4 tốc độ

Động cơ: xăng, 2 kỳ, 198cc

Kiểu nạp khí: tăng nạp cưỡng bức với quạt gió IFA

Đường kính x hành trình piston: 66 x 58mm

Hệ thống đánh lửa: bán dẫn TK, ZIL 130

Hệ thống nạp khí: chế hòa khí Honda Wave 100

Công suất: 9,2 mã lực ở tốc độ động cơ 4800 vòng/phút (nguyên mẫu Lambro 550 không tăng nạp)

Tốc độ tối đa : khoảng 55km/h

Tự trọng: 570 kg

Tiêu hao nhiên liệu : khoảng 5 lít/100km

Còn chuyện lớn?

 

Ví như ngày 18/7 năm 2004, trong lễ động thổ xây dựng nhà máy ô tô VEAM Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, các quan chức của VEAM tuyên bố: “Sau 18 tháng nữa nhà máy sẽ sản xuất, cung ứng ôtô cho thị trường Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc!”.

 

Đã 36 tháng qua, chưa thấy bóng dáng một chiếc xe nào của VEAM.

 

Cách đây 2 năm, không ai được nghe lời hứa của Toàn - một SV còn trên ghế giảng đường.

 

Nhưng nay, chúng ta thật may mắn vì được thấy niềm hạnh phúc trong trẻo trong anh, khi anh chia sẻ: “Tiếng rít của xe em nghe kích động lắm ạ. Nó rít lên theo từng phát đạp ga...”

 

Một chuyện nhỏ.

 

Kar
Ảnh: Nguyễn Quốc Toàn