Trụ sở, tài sản công xử lý thế nào sau sáp nhập tỉnh, xã?
(Dân trí) - Các bộ, ngành có đơn vị trực thuộc tại địa bàn thuộc diện sáp nhập nếu không sử dụng trụ sở, tài sản công thì chuyển giao cho UBND cấp tỉnh quản lý, sử dụng.
Nội dung này được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, do Bộ Nội vụ soạn thảo. Dự thảo dành Điều 14 để quy định việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, UBND cấp tỉnh trước sắp xếp lập danh sách và thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý, kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trụ sở UBND quận 1, TPHCM (Ảnh: Nam Anh).
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn thuộc diện sắp xếp cần lập danh sách và đề xuất phương án xử lý trụ sở, tài sản công. Nếu các bộ, cơ quan trung ương không có nhu cầu sử dụng trụ sở, tài sản công thì sẽ được chuyển giao cho UBND cấp tỉnh quản lý, sử dụng theo nhu cầu địa phương.
Trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.
Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công phải tuân thủ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung này cũng được quy định cụ thể trong Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ban hành ngày 28/2, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, khi sáp nhập, hợp nhất cơ quan, đơn vị (bao gồm cả việc thành lập cơ quan mới trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị hiện có) thì pháp nhân sau khi sáp nhập, hợp nhất được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan bị sáp nhập, hợp nhất.
Đơn vị mới có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra cần xác định tài sản dôi dư (không còn nhu cầu sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy mới) hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của luật và Nghị định này để lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành đối với các tài sản đã có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, cơ quan nhà nước bị sáp nhập, hợp nhất chưa xử lý xong.