Đề xuất tiếp tục được sử dụng giấy tờ đã cấp sau khi sáp nhập tỉnh, xã
(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề xuất các giấy tờ đã được cấp trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cũ vẫn được tiếp tục sử dụng khi chưa hết hạn.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính được Bộ Nội vụ hoàn tất trình các cơ quan, các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt, các cơ quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Bên cạnh quy định về việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, dự thảo Nghị quyết còn nêu rõ về tiêu chí, nguyên tắc sắp xếp đối với đơn vị cấp tỉnh và cấp xã theo hướng bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất.
Đó là các tiêu chí về diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Trong đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Dự thảo cũng lưu ý không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi hoặc đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Dự thảo Nghị quyết còn nêu trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Liên quan đến vấn đề lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo nêu UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn; quyết định nội dung và hình thức lấy ý kiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân, UBND tỉnh tổ chức việc tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn.