Lãnh đạo huyện được bố trí làm nòng cốt ở xã, phường mới sau sáp nhập

Hoài Thu

(Dân trí) - Số lượng biên chế ở cấp huyện và cấp xã được giữ nguyên để bố trí cho xã, phường, đặc khu mới sau sắp xếp. Trong đó đội ngũ lãnh đạo cấp huyện sẽ làm nòng cốt tại xã, phường mới.

Định hướng này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về xử lý vấn đề phát sinh khi sắp xếp bộ máy nhà nước. Báo cáo do Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ ký ban hành, theo ủy quyền của Thủ tướng.

Trong báo cáo, Bộ trưởng khái quát một số kết quả nổi bật trong sắp xếp cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 21/22 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 14 bộ; 2 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm việc triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được đồng bộ, kịp thời ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết và đi vào hoạt động từ 1/3 theo đúng yêu cầu.

Riêng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện theo hướng tổ chức mô hình thanh tra 2 cấp gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; bộ, sở, và UBND huyện sẽ không còn cơ quan thanh tra.

Lãnh đạo huyện được bố trí làm nòng cốt ở xã, phường mới sau sáp nhập - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Về tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, báo cáo dẫn kết quả đã giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 519 cục và tổ chức tương đương; giảm 219 vụ và tổ chức tương đương; giảm 3.303 chi cục và tương đương; giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập…

Về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Nội vụ cho biết kết quả tổng hợp đến 10/3, các địa phương giảm 343 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (giảm 29,1%), giảm 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).

Thực hiện Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 về thống nhất nội dung Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện sau ngày 1/7.

Đối với biên chế của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; biên chế của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết cơ bản giữ nguyên sau sắp xếp, bảo đảm ổn định để đi vào hoạt động.

Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, nhất là khối hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng nêu mục tiêu phấn đấu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ban, ngành, địa phương.

Căn cứ Nghị quyết 60 của Trung ương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cán bộ, công chức, viên chức cấp xã hiện có trước sắp xếp, để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp, trong đó đội ngũ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.

Song song với đó, theo Bộ trưởng, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.

Số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành để tạo điều kiện cho việc bố trí, sắp xếp, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của các bộ, ngành, địa phương sau sắp xếp.

Tuy nhiên, sau 5 năm, con số này phải đưa về theo đúng quy định.

Chính phủ cho biết trong thời gian tới, khi tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, trường hợp phát sinh các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ sẽ kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.