Zone 9 sắp bị đóng cửa: Người trẻ tiếc nuối điều gì?

(Dân trí) - Chiều ngày 3/12, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoạt động, sửa chữa tại Zone 9 - khu đất được coi là “hợp tác xã” của giới trẻ. Thông tin này đã gây ra nhiều suy nghĩ, phản hồi.

“Không biết phải đi đâu để chơi”

 

Vài vụ tai nạn trong thời gian qua ở Zone 9 khiến không ít bạn lo lắng về sự an toàn nhưng phần đông giới trẻ vẫn coi đây là một khu vui chơi lý tưởng khi tích hợp đủ mô hình giải trí: shop, bar, quán cafe, đồng thời cũng là tổ hợp văn hóa với nhiều loại hình nghệ thuật: thời trang, nhiếp ảnh, nhạc họa...

 

Trần Hà My (trường CĐ Nghệ thuật) bày tỏ: “Mình thấy giờ Hà Nội đang thiếu trầm trọng những khu giải trí dành cho giới trẻ. Nếu đóng cửa Zone 9, mình không biết phải đi đâu để có thể tìm một nơi lý tưởng như đây nữa.

 

Mình muốn Zone 9 cứ mãi như bây giờ, không thay đổi, cũng không bị biến mất để các bạn trẻ có thể tận hưởng một không gian độc đáo như thế này. So với những tòa nhà mới bây giờ, mình thấy nơi đây tuy sơ khai nhưng lại mang đậm nét văn hóa và sáng tạo, có thể thỏa thích phá cách, rất phù hợp với tính cách và sở thích người trẻ”.

 
Trước ngày bị đóng cửa, Zone 9 vẫn nhộn nhịp kẻ mua người bán. (ảnh chụp chiều ngày 4/12/2013)
Trước ngày bị đóng cửa, Zone 9 vẫn nhộn nhịp kẻ mua người bán. (ảnh chụp chiều ngày 4/12/2013)
 

Trần Ngọc Linh (HV Báo chí và Tuyên truyền) thường xuyên cùng bạn bè đến Zone 9 mua sắm, trò chuyện, chụp ảnh...mặc dù khoảng cách từ trường học, nơi ở đến đây khá xa.

 

“Mình thấy thật buồn và tiếc nếu nơi này không còn tồn tại nữa. Zone 9 có nhiều dịch vụ vì vậy thay vì đi nhiều nơi, chỉ cần đến một địa chỉ thôi đã có thể tận hưởng một không gian đầy đủ, trọn vẹn.

 

Để giải quyết vấn đề này, mình nghĩ nên cấm hoạt động những chỗ kém an toàn để có thể tu sửa lại cho chắc chắn hơn chứ đóng cửa toàn bộ khu nhà khiến cho giới trẻ gặp thiệt hại rất lớn về đời sống tinh thần”.

 
Nhiều hoạt động vẫn diễn ra bình thường.
Nhiều hoạt động vẫn diễn ra bình thường. (ảnh chụp chiều ngày 4/12/2013)
 

Thiệt thòi cho cả cộng đồng

 

Bên cạnh giới trẻ - khách hàng đến “hợp tác xã” để tận hưởng không gian,  những người chủ văn phòng, cơ quan đang hoạt động kinh doanh tại đây cũng tỏ ra ngạc nhiên và tiếc nuối.

 

Nguyễn Hữu Tuấn (1984, Giám đốc một hãng phim có cơ sở tại đây) nói: “Trước thông tin Zone 9 bị đóng cửa, tôi khá bất ngờ. Tôi nghĩ cần phải có các ban ngành thanh tra kiểm tra, giám sát mức độ an toàn xây dựng của khu nhà mới nên có kết luận để nếu đóng cửa, người dân cũng cảm thấy tâm phục, khẩu phục.

 

Mọi người đều đã đầu tư vào đây không chỉ tiền bạc, mà còn công sức, thời gian... Trong khi đó, khoảng thời gian hoạt động còn ngắn, chưa đủ để có thể thu hồi lại được khoản chi phí đó”.

 

Kim Ngọc - Giám đốc một Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm thuê mặt bằng tại Zone 9 - cho rằng ở Hà Nội thiếu điểm hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật có chất lượng, đa dạng.

 

“Ban đầu, Zone 9 chỉ là bột phát nhưng hiện tại, đây đã trở thành một khu có giá trị nhiều mặt. Đóng cửa khu này là một quyết định thiếu cân nhắc về mặt đường dài cho sự phát triển văn hóa của thành phố.

 

Chúng tôi gặp khó khăn rất lớn trước quyết định này bởi mới thuê và hoạt động được vài tháng, mọi thứ mới bắt đầu đi vào ổn định, có khán giả, tạo được những sự kiện có tiếng vang và ý nghĩa cho đời sống sinh hoạt nghệ thuật thì đã bị đóng cửa.
 
Nhiều hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Các bạn trẻ "trót" yêu thích Zone 9 đều tiếc nuối về không gian nghệ thuật, văn hóa, mua sắm độc đáo sớm "chết yểu". (ảnh chụp chiều ngày 4/12/2013)

 

Đối với cá nhân tôi, thiệt hại không thể kể ra hết được nhưng quan trọng hơn, Hà Nội sẽ mất đi trung tâm văn hóa, hoạt động nghệ thuật vô cùng độc đáo, không thể có ở đâu và không dễ gì xây lại được.

 

Nó là công sức lao động chung của rất nhiều đơn vị, tổ chức mà do cơ duyên nào đó chúng tôi đã gặp nhau, trong một hoàn cảnh cùng vun đắp, kết nối năng lượng để tạo ra một giá trị chung như thế này.

 

Bởi vậy, mất mát lớn hơn là cái mất của thành phố, khán giả, những người làm nghệ thuật có tầm nhìn về phát triển văn hóa, du lịch cho Hà Nội”.

 

Theo chị Ngọc, nếu biết cách phát triển, Zone 9 còn mang lại lợi ích về mặt du lịch. Không phải dễ để có một điểm đến văn hóa độc đáo, không thương mại, càng không phải bản sao của bất cứ mô hình nào. Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều có những trung tâm văn hóa độc đáo, riêng biệt thế này, chỉ có Việt Nam mình đang thiếu.

 

“Lẽ ra nơi đây cần được tạo điều kiện để phát triển lớn mạnh hơn nữa. Sau khi dập tắt rồi, tôi nghĩ còn rất lâu mới có thể có một cơ duyên như thế này. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì những hoạt động văn hóa như kế hoạch cho đến khi có quyết định chính thức, đồng thời cũng sẽ có kiến nghị về quyết định đóng cửa Zone 9”.

 

Hoàng Dung - Nguyễn Thoa