Vụ sàm sỡ ở Hà Nội: Do thủ phạm có ý đồ xấu hay do nạn nhân ăn mặc hở hang?

PGS.TS Trần Thành Nam

(Dân trí) - "Với những người phụ nữ bị sàm sỡ thậm chí bị cưỡng hiếp, nhiều người viện cớ đổ lỗi cho nạn nhân rằng tại cô ấy ăn mặc khiêu khích".

Như Dân trí đã đưa tin, sáng 21/5, mạng xã hội Facebook xôn xao khi xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái ăn mặc gợi cảm bị một người đàn ông sàm sỡ.

Nội dung clip thể hiện, khi 2 cô gái đi xe máy dừng chờ trước dòng phương tiện gần nút giao Yên Phụ - Thanh Niên (quận Tây Hồ, Hà Nội) thì xuất hiện một người đàn ông đi xe máy tiến lại gần. Sau khi nhìn ngó xung quanh, người đàn ông bất ngờ quay sang sàm sỡ người phụ nữ ăn mặc gợi cảm đang cầm lái phía trước rồi vội vàng vít ga phóng đi.

Bị sàm sỡ giữa phố, người phụ nữ trẻ chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngơ ngác nhìn theo gã "yêu râu xanh". Toàn bộ diễn biến vụ việc đã bị camera bên đường ghi nhận lại.

Vụ sàm sỡ ở Hà Nội: Do thủ phạm có ý đồ xấu hay do nạn nhân ăn mặc hở hang? - 1

Hình ảnh người phụ nữ bị "yêu râu xanh" sàm sỡ khi đang dừng xe chờ sang đường ở Hà Nội khiến dư luận xôn xao (Ảnh chụp màn hình).

Đoạn clip đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng cùng nhiều ý kiến trái. Đa số các ý kiến lên án hành vi biến thái của người đàn ông đi xe máy. Bên cạnh đó, cũng có người "đổ lỗi" cho cô gái đã ăn mặc quá gợi cảm khi đi ra nơi công cộng.

Ngay sau đó, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã lập tức vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc này.

Trong thời điểm này, cư dân mạng bàn luận rất nhiều về vụ việc, đồng thời xuất hiện những ý kiến trái chiều bên cạnh những ý kiến lên án hành vi biến thái của người đàn ông. Có những người nói rằng sở dĩ người phụ nữ bị sàm sỡ là do ăn mặc gợi cảm.

Bàn về vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhận định như sau:

Lỗi do trang phục của nạn nhân hay lỗi do não trạng lệch chuẩn của thủ phạm?

Vụ sàm sỡ ở Hà Nội: Do thủ phạm có ý đồ xấu hay do nạn nhân ăn mặc hở hang? - 2

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cực lực phản đối những hành vi quấy rối, xâm hại, thiếu tôn trọng phụ nữ và đổ lỗi cho họ qua trang phục hay hành vi cử chỉ.

Việc đổ lỗi luôn phát sinh khi có ai đó bị tổn thương. Giống như một cách bao biện, viện cớ cho kẻ thủ phạm. Một người lái xe say rượu đâm phải người đi đường trong đêm tối rất có thể đổ lỗi cho nạn nhân rằng anh ta không nên đi dạo ban đêm mà lại mặc quần áo tối màu.

Với những người phụ nữ bị sàm sỡ thậm chí bị cưỡng hiếp, nhiều người viện cớ đổ lỗi cho nạn nhân rằng tại cô ấy ăn mặc khiêu khích. Và thủ phạm viện cớ rằng ăn mặc khiêu khích, nhảy múa khêu gợi hay chấp nhận đi cùng là tín hiệu đồng thuận, bật đèn xanh cho những hành vi xâm hại còn gì.

Chúng ta cần phải hiểu rằng một người phụ nữ mặc váy ngắn trong buổi hẹn hò không có nghĩa là cô ấy muốn ngủ với người bạn trai sau buổi hẹn. Một phụ nữ chấp nhận sự tán tỉnh trên xe buýt không có nghĩa là cô ấy muốn bị đụng chạm.

Tôi đã từng chứng kiến một cô gái mặc áo phông với dòng chữ to trên ngực "touch me, hug me, love me" (tạm dịch: chạm vào tôi, ôm tôi, yêu tôi - PV) đã khiến cho cả một đám trai chỉ chỏ và huýt sáo. Tuy nhiên, có những trường hợp cá nhân chỉ là vô tình mặc áo đó chứ không phải cách diễn giải thông điệp với những gã trai là cô ấy muốn được ôm ấp hay vuốt ve.

Thế nhưng về cơ bản chúng ta vẫn đang đổ lỗi cho lối ăn mặc của người phụ nữ mà không nghiêm khắc nói với cánh đàn ông rằng không được quấy rối, hay xâm hại tình dục là tội ác.

Nguyên nhân dẫn tới lối tư duy đổ lỗi cho nạn nhân?

Nguyên nhân tại sao nhỉ? Tôi còn nhớ đã từng đọc một vụ án ở Ả Rập Xê Út những năm 2010. Ở đất nước do đàn ông thống trị này, phụ nữ bị cấm ra đường mà không có một thành viên gia đình là đàn ông đi kèm. Phụ nữ không thể lái xe mà không vi phạm điều cấm kỵ này.

Trong trường hợp tòa án vừa đề cập, một phụ nữ bị cưỡng hiếp "hội đồng" bởi 7 tên đàn ông. Khi ra tòa, người phụ nữ này bị tòa quyết định đánh 200 roi và bỏ tù 6 tháng vì dám ở trong xe hơi mà không có đàn ông trong gia đình đi kèm.

Trong trường hợp này và nhiều tình huống khác tương tự, nạn nhân là người bị đổ lỗi chứ không phải kẻ phạm tội. Vì vậy, hãy ngừng giả vờ rằng có mối liên hệ giữa trang phục khiêu khích với hành vi quấy rối xâm hại tình dục. Nếu có chăng thì đó chính là sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội đang cố gắng bào chữa cho những hành vi bạo lực tình dục của nam đối với nữ trong nền văn hóa gia trưởng thiếu tôn trọng nữ quyền.

Một nguyên nhân tiềm năng khác nữa chính là những chất liệu văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan trên Internet ngày càng được tiếp cận dễ dàng với thanh thiếu niên. Văn hóa phẩm đồi trụy này luôn thể hiện hình ảnh phụ nữ là người phục tùng về mặt tình dục còn đàn ông đóng vai trò chế ngự. Nó tán thành ý tưởng cho rằng sử dụng cưỡng bức mang lại thích thú cho phụ nữ, củng cố niềm tin cho rằng với tình dục, phụ nữ thường phản đối và nói "không" nhưng thực chất ý họ là ngược lại.

Chính vì thế, những sản phẩm đồi trụy gián tiếp tạo nên những niềm tin định kiến sai lầm trong đầu những kẻ thủ phạm và khuyến khích hành vi quấy rối, xâm hại tình dục hiếp dâm và quan hệ tình dục cưỡng bức trong các cuộc hẹn hò. Thế nên, thay vì đổ lỗi, hãy tìm cách bảo vệ thế hệ trẻ thật tốt trước rác văn hóa trên mạng.

Tất nhiên tôi vẫn ủng hộ việc các cô gái nên suy nghĩ chín chắn về trang phục họ mặc đảm bảo tính trang trọng và lịch sự, phù hợp với văn hóa thuần phong mỹ tục trong các bối cảnh nơi công cộng. Và cực lực phản đối những hành vi quấy rối, xâm hại, thiếu tôn trọng phụ nữ và đổ lỗi cho họ qua trang phục hay hành vi cử chỉ. Vì văn hóa đổ lỗi này mà các nạn nhân của quấy rối và xâm hại tình dục thường quá khó khăn và xấu hổ để báo cáo sự việc một cách kịp thời!

Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này, hãy cùng bàn luận ở phần bình luận bên dưới nhé!