Vì sao rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc thích ngủ ở quán lẩu?
(Dân trí) - Xu hướng ngủ qua đêm tại nơi công cộng như quán lẩu, nhà hàng gà rán... đang tăng mạnh ở Trung Quốc, tạo nên khung cảnh không mấy đẹp mắt.
Trải qua hai đêm không ngủ và đi bộ 30.000 bước để tham quan hơn 10 địa điểm mỗi ngày - lịch trình du lịch khắc nghiệt này có thể bị nhầm lẫn là một khóa huấn luyện đặc biệt.
Thuật ngữ "lực lượng du lịch đặc biệt" đang dần trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc, dùng để chỉ một phong cách du lịch được giới trẻ yêu thích.
Để tham quan được nhiều địa điểm trong thời gian ngắn, những người du lịch theo hình thức này cố gắng tiết kiệm chi tiêu nhất có thể. Họ thách thức giới hạn thể chất của mình giống như các binh sĩ của lực lượng đặc biệt.
Du lịch kiểu "quân đội"
Mới đây, một nữ sinh học tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã đến Bắc Kinh gặp bạn. Trong hai ngày cuối tuần, họ tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng như quận Nanluoguxiang, Tháp Trống, Tử Cấm Thành, Hòa Cung, quảng trường Thiên An Môn, công viên Bắc Hải và Thiên Đàn.
Nhằm tiết kiệm thời gian và kinh phí, hai cô gái đã nghỉ qua đêm trên tàu vào đêm đầu, thức trắng vào hôm sau để xem lễ thượng cờ tại quảng trường Thiên An Môn.
Loạt hình ảnh về chuyến du lịch của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Những người sống tại Bắc Kinh nói rằng, họ cũng chưa bao giờ đến nhiều địa điểm như vậy.
Một số khác còn bình luận: "Đây không phải du lịch, mà là cuộc thi ba môn phối hợp".
Hai nữ sinh này không phải là những người duy nhất tiết kiệm thời gian và cắt giảm chi phí một cách cực đoan. Lịch trình, ngân sách mà những người trẻ tuổi đăng tải lên mạng xã hội khiến họ được gọi là "lực lượng du lịch đặc biệt".
Hình thức du lịch này trở thành hiện tượng phổ biến của giới trẻ đất nước tỷ dân.
Theo số liệu từ trang ly.com, trong kỳ nghỉ Tết Thanh minh, 62% khách du lịch thuộc thế hệ sinh sau năm 2000 chọn các phương tiện di chuyển qua đêm để tới điểm đến của họ.
30% trong số nhóm người này đã tham quan hơn 4 địa điểm du lịch chỉ trong một ngày. Những điểm đến phổ biến nhất là các thành phố tập trung nhiều điểm du lịch và có giao thông công cộng thuận lợi như Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Nam Kinh.
Trải nghiệm vội vàng hay tiết kiệm thời gian?
Hình thức du lịch khắc nghiệt này nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, du lịch hời hợt như vậy là vô ích.
"Riêng việc tham quan Bảo tàng Cố cung đã mất vài ngày rồi. Họ chỉ đứng ở cổng chụp một bức hình rồi về sao?", một người bình luận.
Từ khi xu hướng "lực lượng du lịch đặc biệt" trở nên phổ biến, lượng du khách tham quan đã tăng đáng kể, ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch của những người khác. Bên cạnh đó, việc ngủ qua đêm tại nhà hàng và nhà ga cũng để lại hình ảnh không mấy đẹp mắt.
Tuy nhiên, một nhóm người khác lại cho rằng, không nên quá khắt khe đối với hình thức du lịch của giới trẻ.
Chia sẻ với Ran News, nữ sinh du lịch tới Bắc Kinh đã bác bỏ những chỉ trích về chuyến du lịch hai ngày của mình.
"Mặc dù chuyến đi rất vội vàng, chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ từng địa điểm. Nhiều người thấy việc du lịch như này quá mất sức nhưng cả hai chúng tôi đều thấy ổn. Mệt mỏi không là gì đối với niềm vui được ra ngoài và chiêm ngưỡng thế giới", cô nói.
Nắm bắt thị hiếu
Hiểu được xu hướng giới trẻ, một số địa điểm đã tung ra các gói du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tỉnh Sơn Đông tung gói du lịch tàu cao tốc Qilu với giá 399 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng), bao gồm các tuyến có nhiều điểm tham quan như suối Baotu, núi Tai, đền Khổng Tử và bãi biển ở Thanh Đảo.
Thành phố Truy Bác - nơi thu hút hàng triệu du khách nhờ món thịt xiên nướng - mới đây mở một chuyến tàu cao tốc kéo dài 40 phút dành cho những người đi từ Tế Nam muốn thưởng thức đặc sản nơi đây.
Đời không như là mơ
Việc giới trẻ du lịch tiết kiệm là điều quá quen thuộc. Tuy nhiên, hình thức du lịch kiểu "quân đội" mới trở nên phổ biến gần đây với nhiều lý do khác nhau.
Ngày nay, hầu hết giới trẻ Trung Quốc dựa vào mạng xã hội để tìm các địa điểm du lịch nổi tiếng. Việc chụp ảnh, chia sẻ trực tuyến về chuyến đi sẽ thúc đẩy nhiều người khác ghé thăm và làm điều tương tự.
Thói quen này dẫn đến tình trạng thay vì trải nghiệm chuyến đi, du khách chỉ quan tâm đến việc đăng ảnh khoe khoang và "câu like".
Có lẽ thực tế khắc nghiệt - thế giới rộng lớn nhưng ví tiền lại trống rỗng - khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân đất nước tỷ dân suy yếu. Vì thế, ngày càng có nhiều người lựa chọn phương án tiết kiệm hơn là tiêu xài.
Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, vào tháng 2 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp thành thị đã ghi nhận con số 5,6%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 đạt 18,1%.
Để vừa được du lịch, vừa tiết kiệm tiền bạc, giới trẻ Trung Quốc đã vượt qua giới hạn để trở thành những "lực lượng du lịch đặc biệt". Điều này phần nào phản ánh khao khát của họ trong việc tìm sự hài hòa giữa lý tưởng và hiện thực.
Không muốn từ bỏ việc du lịch và ngắm nhìn thế giới, thế hệ trẻ buộc phải tiêu tiền một cách khôn ngoan.
Việt Trinh