Hàng chục năm nhất quyết ở trong nhà, chơi điện tử và không gặp bất cứ ai

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Số lượng người trẻ xa lánh cuộc sống xã hội và chỉ ở nhà đang tăng lên nhanh chóng. Những người này được gọi là "hikikomori".

Vosot Ikeida (60 tuổi, không phải tên thật) bắt đầu cuộc sống cô lập vào thời điểm mà hầu hết mọi người bắt đầu khám phá và trải nghiệm cuộc sống.

Ikeida rời quê hương ở Nagoya (Nhật Bản) để theo học tại một trường đại học danh tiếng ở Tokyo. Khi đó, ông bắt đầu cảm thấy xa cách với bạn bè đồng trang lứa.

Lối sống ẩn mình

Ikeida chia sẻ với Guardian: "Trường có rất nhiều nam sinh thông minh muốn trở thành doanh nhân, chính trị gia và luật sư. Tôi không thể tìm thấy bất cứ ai có cùng quan điểm sống để chia sẻ. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng, mình đã đến nhầm chỗ. Tôi không phù hợp với môi trường ở đây. Tôi là một người lạc lõng".

Sau khi tốt nghiệp và trải qua một số cuộc phỏng vấn việc làm, các triệu chứng của Ikeida ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ông dành nhiều ngày nằm lì trong phòng mà không ra ngoài đi làm.

"Đó là khởi đầu cho quãng đời làm hikikomori của tôi", Ikeida nói.

Hàng chục năm nhất quyết ở trong nhà, chơi điện tử và không gặp bất cứ ai - 1

Người hikikomori lựa chọn cách sống một mình trong không gian kín (Ảnh: Phys.org).

Bộ Y tế Nhật Bản định nghĩa, "hikikomori" là một thuật ngữ do nhà báo Tamaki Saito đặt ra vào cuối những năm 1990. Đó là những người bị cô lập ở nhà trong ít nhất 6 tháng, trốn tránh trường học hoặc nơi làm việc và hiếm khi tương tác với những người bên ngoài gia đình.

Ikeida đã cố gắng thoát khỏi sự ẩn mình bằng cách đi du lịch nước ngoài. Khám phá vòng quanh Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi trong 10 năm, thế nhưng phần lớn thời gian của ông là ở trong phòng khách sạn.

Ông không thể ra ngoài thực hiện một chuyến tham quan đơn giản.

"Tôi đọc, viết, uống rượu và ngủ. Rốt cuộc thì tôi không thích đi du lịch. Tôi là một hikikomori ở nước ngoài", Ikeida tâm sự.

Quay trở lại Nhật Bản, ông cố gắng bắt đầu lại cuộc sống của mình, song không mấy khả quan.

Ikeida cho biết, ông đã không trải qua 30 năm sống ẩn dật trong phòng tối "ngấu nghiến" truyện. Ông vẫn thi thoảng mạo hiểm ra ngoài với tần suất ít ỏi.

"Tôi không thể ra đường thường xuyên như những người bình thường vẫn làm. Trung bình 3-4 ngày, tôi mới ra ngoài một lần. Tôi ngủ 14 giờ/ngày. Tôi không gặp gỡ, trò chuyện với hàng xóm hay người thân của mình.

Tôi trao đổi thư từ với rất nhiều người trên mạng mà không cần bước ra khỏi phòng. Đó là điều tốt nhất tôi có thể làm lúc này. Tôi vẫn là một hikikomori", Ikeida nói.

Xu hướng hikikomori lan rộng

Hikikomori từng được coi là tình trạng chỉ ảnh hưởng đến những nam thanh niên không thích nghi với xã hội, bị giam hãm trong phòng ngủ và say mê trò chơi điện tử, truyện tranh và phim hoạt hình.

Thế nhưng giờ đây, sự mất kết nối xã hội kéo dài ảnh hưởng đến nhóm người rộng lớn hơn nhiều.

Tại Nhật Bản, hiện nay có 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động theo đuổi lối sống này. Tương đương với tỷ lệ cứ 50 người sẽ có một người là hikikomori.

Hàng chục năm nhất quyết ở trong nhà, chơi điện tử và không gặp bất cứ ai - 2

Số người sống ẩn dật hiện chiếm khoảng 2% tổng dân số của Nhật Bản (Ảnh: AP).

Theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản được công bố vào tháng 4 vừa qua, một số lượng lớn hikikomori cho biết, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ áp lực trong cuộc sống. Nhưng một tỷ lệ đáng kể (20,6%) cho hay, sự thay đổi sang lối sống ẩn mình, xa cách xã hội đã được kích hoạt bởi đại dịch Covid-19.

Mặc dù Nhật Bản không thực hiện phong tỏa, họ đã yêu cầu người dân tránh ra ngoài nếu như không cần thiết. Trong khi đó, một số công ty và trường đại học chuyển sang làm việc, học tập trực tuyến.

Các công cụ công nghệ cho phép mọi người dễ dàng hoạt động trong thời kỳ đại dịch cũng góp phần làm gia tăng cảm giác bị cô lập.

Ikeida chia sẻ: "Đại dịch khiến nhiều người nhận ra rằng, làm việc từ xa, học tập từ xa và giao hàng tận nhà rất hữu ích. Nhiều người đã quen với việc hạn chế ra ngoài nên vẫn tiếp tục lối sống này ngay cả khi Covid-19 qua đi".

Trong khi ước tính có khoảng 60% số người hikikomori là nam giới, ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn lối sống xa cách xã hội.

Michi - 45 tuổi, sống tại Tokyo, bị mất việc trong đại dịch - cho biết: "Đôi khi tôi nghĩ đến việc đi bộ vào buổi sáng. Nhưng sau đó, tôi lại lo sợ và chùn bước. Tôi không thể ra ngoài".

Hàng chục năm nhất quyết ở trong nhà, chơi điện tử và không gặp bất cứ ai - 3

Nhiều người nước ngoài cũng bắt đầu lối sống hikikomori (Ảnh: Grant Faint).

Mặc dù lối sống này phổ biến nhất ở Nhật Bản, nó dần "lan rộng" ra khỏi biên giới đất nước này. Các nghiên cứu cho thấy, hikikomori đã tồn tại ở Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Oman, Ý, Ấn Độ, Phần Lan, Pháp...

Sự cô lập xã hội đang gia tăng ở nhiều nơi và hiện tượng này bất ngờ trở thành xu hướng trên toàn cầu.

Các cuộc phỏng vấn chỉ ra rằng, hikikomori không chỉ giới hạn trong giới trẻ Nhật Bản hay châu Á. Với cách xã hội đang phát triển, mọi người nên chú ý đến nó nhiều hơn.