Vì sao không nên dùng cụm từ "thằng đàn bà" để xúc phạm người khác?

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Một số người thường mắng người khác là "thằng đàn bà" nhưng không hiểu rằng cách phát ngôn này đang xúc phạm cả hai giới nam và nữ.

Thế nào là "thằng đàn bà"?

Từ trước đến nay, cụm từ "thằng đàn bà" thường được sử dụng để miệt thị những người đàn ông có tính cách giống phái nữ. Theo PGS.TS Trần Thành Nam (chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), bản thân cụm từ này đã mang hàm nghĩa xúc phạm cả phái nam và phái nữ.

Thầy Thành Nam cho hay: "Bản thân cụm từ "thằng đàn bà" đã mang tính miệt thị, xúc phạm rồi chứ chưa cần biết người nói đang nói cho nam hay nữ. "Thằng đàn bà" thường ám chỉ sự ẻo lả, yếu đuối, hay mè nheo…, nhưng sự thật thì người phụ nữ đâu phải như vậy. 

Còn với nam giới thì sự miệt thị còn nâng lên một mức cao hơn, rằng là đàn ông mà yếu đuối, "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành"... Cụm từ này xuất phát từ nền văn hóa gia trưởng, đàn ông thì phải thế này, đàn bà thì phải thế kia và vô tình gây ra áp lực cho cả hai giới".

Bạn Quang Phú (19 tuổi, Bình Phước) đã từng bị người khác chế giễu bằng cụm từ "thằng đàn bà".

Vì sao không nên dùng cụm từ thằng đàn bà để xúc phạm người khác? - 1
Quang Phú tự tin thể hiện cá tính riêng của mình (Ảnh: NVCC)

Nam sinh chia sẻ: "Là một người thuộc cộng đồng LGBT, mình rất thích trang điểm, làm móng, làm điệu như các bạn gái. Mình tự hào vì đã dám sống đúng với con người mình và các bạn xung quanh (đặc biệt là các bạn nữ) đều yêu quý và tôn trọng những sở thích đó của mình.

Tuy nhiên, dù ít thôi nhưng mình cũng đã từng nghe những lời đàm tiếu không hay. Có những lời bàn tán sau lưng như "con trai mà điệu quá", "đồ đàn bà"… Lúc biết rằng có người nói mình như vậy, thật lòng mình tủi thân và suy nghĩ khá nhiều".

Liệu con trai có nhất thiết phải mạnh mẽ, con gái thì phải dịu dàng?

Từ xa xưa, người con gái chuẩn mực theo quan niệm phương Đông phải là người nết na, thùy mị, đảm đang. Ngược lại, một bậc "nam nhi" thì phải mạnh mẽ, gai góc, là trụ cột gia đình. Nếu một gia đình không theo khuôn mẫu trên thì là không đúng vai vế và bị nhiều người bàn tán.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển và các định kiến giới dần được phá bỏ, những quan niệm truyền thống và có phần cổ hủ như trên dần được thay đổi. Ngày nay, những người con trai có tính cách dịu dàng hay con gái mạnh mẽ đều được xã hội công nhận.

Vì sao không nên dùng cụm từ thằng đàn bà để xúc phạm người khác? - 2
Bảo Tâm ấn tượng với những bạn nam, bạn nữ dám sống khác với khuôn mẫu giới tính (Ảnh: NVCC)

Bạn Bảo Tâm (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình không bác bỏ việc nhiều người nghĩ rằng con trai phải là chỗ dựa cho con gái, kiểu "phái mạnh", "phái yếu". Nhưng nếu quan điểm đó làm cho chính chúng ta mệt mỏi và phải gồng gánh nhiều thứ, không được làm chính mình hay thậm chí là làm tổn thương người khác, thì đó là lúc chúng ta phải nghĩ xem liệu mình có nên có góc nhìn tích cực hơn hay không.

Mình rất ấn tượng và bị thu hút bởi những bạn nam dám khóc, mềm mỏng, nhẹ nhàng, đáng yêu lắm và các bạn nữ mạnh mẽ, chơi thể thao, kiểu rất ngầu". 

PGS.TS Trần Thành Nam khuyên chúng ta biết cách lắng nghe và chọn lọc những thông tin liên quan đến vấn đề này. Thầy chia sẻ: "Trước đây, do tồn tại những định kiến về giới nên chúng ta có sự phân biệt rõ ràng giữa hai giới và từ đó tạo nên những khuôn mẫu giới.

Vì sao không nên dùng cụm từ thằng đàn bà để xúc phạm người khác? - 3
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, quan niệm trên đã không còn phù hợp trong một xã hội phát triển như hiện nay (Ảnh: Facebook nhân vật)

Bây giờ, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, phụ nữ cũng phải có sự nghiệp, cũng phải làm kinh tế. Những người đàn ông nếu điều kiện sức khỏe không cho phép thì cũng sẽ lui về làm hậu phương. Hiện nay có rất nhiều gia đình như vậy. 

Trong xã hội còn nhiều khuôn mẫu và quan điểm trái chiều như hiện nay, theo tôi chúng ta nên biết chọn lọc ý kiến. Những lời hay thì chúng ta nghe, còn những câu nói thiển cận như "thằng đàn bà" thì hãy coi như không nghe thấy, không bàn luận đến".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, hiện nay mẫu người đàn ông dịu dàng, tháo vát việc nhà, giỏi nấu ăn cũng là mẫu hình lý tưởng của rất nhiều cô gái. Bên cạnh việc là người mạnh mẽ và che chở như định kiến xã hội bao đời nay, thì những đức tính tưởng chừng như rất "phụ nữ" như trên cũng là tiêu chuẩn mà nhiều cô gái mong muốn ở nửa kia của mình.

Bạn Quang Phú cho hay: "Mình là con trai, nhưng mình cảm thấy rất bình thường khi bản thân thích làm đẹp, trang điểm, hay là giả gái. Mình cũng không thấy việc các bạn gái cá tính, mạnh mẽ, cắt tóc ngắn, khỏe mạnh là vấn đề đáng lo ngại. Mỗi chúng ta đều có quyền sống đúng với bản chất của mình và tự hào về điều đó".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm