3 cách thiết lập ranh giới giúp củng cố các mối quan hệ
(Dân trí) - Trong cuộc sống, việc đặt ra ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về mặt tâm lý và giúp bạn tránh được một số trải nghiệm không mong muốn.
"Đối với nhiều người, việc thiết lập ranh giới với những người bạn yêu thương và cùng làm việc có thể là một việc khó khăn", Nedra Glover Tawwab, nhà trị liệu được cấp phép và là tác giả của cuốn sách "Set Boundaries, Find Peace" (Tạm dịch: Thiết lập ranh giới, tìm kiếm bình yên) cho biết.
"Bạn có thể nhắn tin cho mình, nhưng mình không thể trả lời cho đến khi tan làm", "Mình cần 30 phút để hoàn thành công việc này, và chúng ta có thể nói chuyện sau lúc đó", "Mình biết mình đã nói mình rảnh tối nay, nhưng mình cần một đêm yên tĩnh tại nhà".
Nếu như bạn cảm thấy sợ hãi khi phải nói một trong 3 câu trên thì bạn không hề đơn độc và đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần bắt đầu thiết lập ranh giới đối với các mối quan hệ của bản thân.
Theo nhà trị liệu Tawwab, lo lắng hay trầm cảm chỉ là một trong số các vấn đề có thể nảy sinh khi chúng ta không thiết lập ranh giới rõ ràng trong các mối quan hệ. Điều này có thể khiến mọi người cảm thấy bất lực và vô vọng.
Việc thiết lập ranh giới với bạn bè, gia đình và đối tác thực sự có thể giúp củng cố những mối quan hệ đó. Người luôn muốn được người khác nhìn thấy, thấu hiểu các nhu cầu của bản thân nhưng lại không đối xử với bạn tương tự như vậy, đồng nghĩa với việc bạn không hề hiện diện trong mối quan hệ đó.
Lisa Bobby, nhà tâm lý học đồng thời là giám đốc của công ty trị liệu tâm lý trực tuyến Growing Self Counseling & Coaching tại Colorado (Canada), cho rằng việc đặt ra ranh giới cũng có thể bảo vệ bạn khỏi những trải nghiệm gây tổn hại tại nơi làm việc.
Theo nhà tâm lý Bobby, thiết lập ranh giới là biết giới hạn của chính bạn về những gì bạn sẽ và không chấp nhận. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nó là bước đầu tiên bảo vệ bạn khỏi những trải nghiệm có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái nếu chúng xảy ra.
Việc nói thẳng với mọi người về giới hạn, nhu cầu và mong muốn của bạn cũng có thể làm tăng cảm giác được trao quyền và thể hiện bạn đang kiểm soát được cuộc sống của chính bạn.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới trong cuộc sống của mình, dưới đây là 3 cách giúp bạn nói chuyện với chính bản thân và những người xung quanh để giúp quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.
Không bỏ bê bản thân để thể hiện sự quan tâm với người khác
Chăm sóc nhu cầu của bản thân trước hoặc song song với nhu cầu của những người thân yêu thường có thể bị coi là ích kỷ, nhưng thực tế không hề như vậy. Tawwab khuyên các bạn trẻ nên thoát khỏi suy nghĩ mọi người nên đặt lợi ích của những người thân cao hơn chính mình.
"Bỏ bê bản thân không phải là cách để thể hiện bạn quan tâm đến người khác nhiều như thế nào. Trong các mối quan hệ, cả hai bên đều có thể chọn những gì họ muốn và cần. Thay đổi tư duy này chính là bước quan trọng để bạn có thể bắt đầu nói lên nhu cầu và mong muốn của mình".
Thời gian không phải là vô hạn
Việc nói "có" với mọi thứ mà sếp, bạn bè, các thành viên trong gia đình hoặc thậm chí là đối tác yêu cầu bạn làm sẽ khiến bạn không còn năng lượng thể theo đuổi điều khiến mình hạnh phúc.
"Thiết lập giới hạn thời gian giữa việc bạn sử dụng thời gian của mình cho bản thân và cho người khác là điều vô cùng cần thiết. Suy nghĩ về thời gian là hữu hạn, không phải vô hạn có thể khiến mọi người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và tác động của thời gian đối với họ", Tawwab nhấn mạnh tầm quan trọng của cách sử dụng thời gian đối với mỗi người.
Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng bạn chỉ có một số giờ giới hạn trong ngày. Sau đó, bạn sẽ có nhiều dũng khí hơn để nói "không" với những trải nghiệm không phù hợp với mình.
Sử dụng câu lệnh 'tôi'
Cuối cùng, khi bạn bước vào một cuộc trò chuyện để thiết lập ranh giới, hãy nói về hành động của bạn thay vì của người khác, giữ câu nói ngắn gọn và rõ ràng, không cần giải thích quá nhiều về tình huống của bản thân.
Ranh giới của bạn là điều bạn muốn và cần phải làm. Hãy sử dụng các câu nói về "tôi" thay vì "bạn". Ví dụ, thay vì nói mọi người đừng nói về chủ đề này trước mặt bạn, hãy nói rằng chủ đề này không mang lại giá trị và sự tích cực cho bạn và bạn sẽ không tham gia cuộc trò chuyện đó.
Bobby bổ sung rằng, việc thiết lập ranh giới cũng thể hiện ở giọng điệu và thái độ cụ thể khi nói. Việc tạo ra một ranh giới không đồng nghĩa với việc áp đặt người khác không thể làm điều gì đó với mình, mà là việc bạn chủ động từ chối những việc không đem lại giá trị cho cả hai phía.
Đồng thời, cô cũng nhấn mạnh rằng điều này chính nhằm cải thiện mối quan hệ của bạn chứ không phải bóp nghẹt nó. Mọi người nên tìm một thời điểm đặc biệt để có một cuộc trò chuyện nghiêm túc mà không xảy ra cãi vã, mở đầu thật nhẹ nhàng và nhấn mạnh việc bạn mong muốn một mối quan hệ tốt hơn.
Nếu như ai đó vượt qua ranh giới của bạn
Bobby cho biết thêm, điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải ai cũng tôn trọng ranh giới của bạn. Bất kỳ ai tức giận vì ranh giới của bạn đều có thể được coi là "độc hại" và bạn sẽ có thể sẽ muốn cân nhắc khả năng duy trì mối quan hệ với họ trong cuộc sống.
"Mọi người sẽ hiểu rằng trong mối quan hệ với bạn đòi hỏi họ phải cư xử tôn trọng ở một mức độ nhất định, hoặc những mối quan hệ đó sẽ kết thúc và bạn sẽ có không gian trong cuộc sống cho những mối quan hệ lành mạnh hơn".