Vì đâu những cuộc tụ tập bạn bè trở thành bàn tán, nói xấu người khác?

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Việc bàn tán, kể xấu về người khác trở thành thói quen trong những lần tụ tập của một số bạn trẻ.

Một buổi cà phê không nói xấu ai là một buổi cà phê thất bại?

Các clip có nội dung như "Đi cà phê 30 phút nói xấu 20 người", "Một buổi cà phê không nói xấu ai là một buổi cà phê thất bại" đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội. Nội dung này nhanh chóng được nhiều bạn trẻ quan tâm và bày tỏ sự đồng tình, trở thành một trend (xu hướng) trên nền tảng TikTok.

Vì đâu những cuộc tụ tập bạn bè trở thành bàn tán, nói xấu người khác? - 1

Những clip có nội dung "đi cafe nói xấu" thịnh hành trên Tiktok (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ về vấn đề trên, bạn P.T.T.T (20 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình cũng có ngồi với bạn bè và bàn tán về người này người kia, về những điều họ đã làm khiến cho mình thấy không vừa lòng. Mình nghĩ đó không phải xoi mói, kể xấu mà chỉ dựa trên sự thật. Mình muốn mọi người sẽ có cái nhìn đúng hơn về người đang được nhắc đến.

"Có những người mà mình không ghét họ, mình chỉ dựa trên thực tế họ đã làm những việc không vừa ý mình, không đúng với những gì mình nghĩ và điều đó khiến bọn mình khó chịu. Lúc đó bọn mình nói ra chỉ để vơi đi những cái "ngứa mắt" của mình đối với họ thôi. Đôi khi, việc bàn tán như vậy cũng mang lại cho bọn mình niềm vui và sự thoải mái".

Có thể thấy rằng, việc nhắc đến một người khác và những điểm không tốt của họ đang trở thành một chủ đề phổ biến trong các buổi tụ tập của giới trẻ. Thậm chí, có những người có thể "kể xấu" người khác dù hai bên không có mâu thuẫn.

Có nhiều lý do để giải thích cho thói quen trên, chẳng hạn như: Nói thật chứ không phải nói xấu, chỉ bàn tán với những người thân thiết nên không sợ bị lộ, chắc chắn người bị nhắc đến sẽ không biết…

Người bị xoi mói, kể xấu sẽ có cảm xúc thế nào?

Những câu chuyện tưởng chừng vu vơ như vậy cũng có thể gây ra mâu thuẫn không đáng có và vô tình làm tổn thương người khác. Bạn Đoan Trang (19 tuổi, sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) chia sẻ về những trải nghiệm của mình khi là nạn nhân của những cuộc nói chuyện như trên:

"Thật ra chẳng ai vui vẻ nếu mình bị đem ra bàn luận xoi mói. Khi biết bản thân là tâm điểm của những cuộc nói chuyện như vậy, mình thường bị sốc, khó chịu và cũng rất tổn thương.

Là người nhạy cảm, nghĩ nhiều nên ban đầu mình bị ám ảnh và chọn im lặng. Nhưng đó không phải cách giải quyết vì những uất ức dồn nén lâu ngày có thể tạo nên những con sóng khủng khiếp. Đến lúc ấm ức quá, mình đã nói thẳng với họ bằng những lời không hay, và có những suy nghĩ không được văn minh về những người đó".

Vì đâu những cuộc tụ tập bạn bè trở thành bàn tán, nói xấu người khác? - 2

Đoan Trang từng ấm ức, khó chịu khi biết mình là tâm điểm của những cuộc bàn tán (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, chính từ những lần mâu thuẫn khi biết mình là người bị xoi mói, bàn tán đã khiến Đoan Trang trở nên mạnh mẽ. Nữ sinh không còn quá bận tâm khi biết mình không làm vừa ý người khác và cô có suy nghĩ cởi mở hơn.

"Mình nghĩ là chuyện gì cũng có nguyên do của nó. Có thể cách cư xử, hành động của mình không cùng tần số với họ. Thậm chí mình có thể đã có lỗi với họ mà mình không biết và khiến họ "ngứa mắt", không ưa. Nghĩ đi nghĩ lại, nguyên do chủ yếu là hai bên hiểu lầm và không hòa hợp với nhau thôi".

Không thể phủ nhận rằng tình trạng trên xuất hiện nhiều ở những tập thể mà phái nữ chiếm đa số. Việc xoi mói, bàn tán lẫn nhau có thể xuất phát từ nhiều lý do và điều quan trọng nhất vẫn là giữ cho bản thân mình một tâm thế vững vàng trước những câu chuyện đó.

Ranh giới giữa nói xấu và nói thật rất mong manh. Ai trong chúng ta cũng cần cố gắng để nhắc đến người khác một cách chân thật và văn minh nhất có thể, tránh để xảy ra những mâu thuẫn không đáng có.