Tư duy mới của Gen Z Mỹ khi lên kế hoạch nghỉ hưu
(Dân trí) - So với ông bà mình, Gen Z có một số quan niệm khác biệt trong việc tiết kiệm tiền để nghỉ hưu.
Gen Z được định nghĩa là nhóm người trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012. Thế giới vận hành phát triển, lối sống dần trở nên hiện đại, từ đó Gen Z cũng có những đổi mới trong tư duy và quan điểm về tiền bạc.
Theo Kayla Stern, một nhà tư vấn về thu nhập hưu trí tại Hiệp hội Bảo hiểm Giáo viên và Niên kim của Quỹ Cổ phần Hưu trí Cao đẳng Hoa Kỳ (TIAA), nhiều Gen Z bắt đầu quá trình trưởng thành trong điều kiện tài chính yếu kém. Họ phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao, tiền thuê nhà, vay nợ sinh viên và nhiều khoản chi khác.
Bà chia sẻ rằng Gen Z thường quan tâm đến việc cân bằng các ưu tiên tài chính ngắn hạn (như trả nợ và duy trì tiết kiệm). Đồng thời, họ lên kế hoạch các mục tiêu nghỉ hưu dài hạn nhiều và sớm hơn các thế hệ khác.
Tiết kiệm sớm hơn
Không giống như thế hệ Baby Boomer (những người sinh từ năm 1946 đến 1964), kỷ nguyên lương hưu đang dần suy thoái và biến mất ở Gen Z. Thêm vào đó, những người trẻ này đã chứng kiến sự tàn phá của cuộc suy thoái toàn cầu 2009. Vì vậy, Gen Z đang tiết kiệm để nghỉ hưu sớm và họ thường tập trung hơn vào việc đạt được các mục tiêu nghỉ hưu của mình.
Trên thực tế, theo nghiên cứu mới từ BlackRock, trung bình những người lao động thuộc Gen Z tại Mỹ đang tiết kiệm được 14% tổng thu nhập vào những năm sự nghiệp đỉnh cao. Kết quả này cho thấy giới trẻ hiện nay tiết kiệm được nhiều hơn so với con số được khảo sát ở các thế hệ cũ là 12%.
Thái độ làm việc
Jay Zigmont, chuyên gia lập kế hoạch tài chính và người sáng lập Childfree Wealth, cho biết một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Gen Z và Baby Boomer có thể nằm ở cách định hướng và tiếp cận với công việc và kế hoạch nghỉ hưu. Những người thuộc thế hệ Baby Boomer có thể duy trì làm cùng một công việc trong 25 năm và rồi quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, Gen Z có xu hướng trải nghiệm nhiều hơn và liên tục thay đổi công việc cứ sau hai đến ba năm lao động.
Zigmont giải thích rằng việc thay đổi công việc thường xuyên thường dẫn đến thu nhập tăng vọt hơn là gắn bó với một công ty trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra một số thách thức cho việc nghỉ hưu, vì Gen Z thường thay đổi công ty đóng bảo hiểm khác nhau nên một số nhà tuyển dụng sẽ không cho phép những người này đóng bảo hiểm trong năm đầu tiên.
Ngoài ra, một số bạn trẻ Gen Z, đặc biệt là những người không có con cái, thậm chí có thể lựa chọn không nghỉ hưu. Thay vào đó, họ có thể chọn lối sống FILE (Financial Independence, Live Early) tạm dịch là lối sống hướng đến sự độc lập tài chính, hưởng thụ.
Nếu nghỉ hưu là một công tắc bật/tắt cho công việc, thì FILE là một công tắc điều chỉnh độ sáng. FILE khuyến khích chúng ta làm đúng loại và số lượng công việc, tận hưởng những thành quả lao động bản thân đạt được trong hiện tại.
Không ngại rủi ro
Theo Todd Parriott, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Connect Invest, kế hoạch nghỉ hưu của thế hệ Baby Boomer cần những khoản đầu tư ổn định hơn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi những biến động, bất ổn của thị trường.
Mặt khác, Gen Z vẫn còn nhiều thập kỷ để lao động trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng việc bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu khi còn trẻ luôn là điều tích cực. Đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn kinh tế và thị trường lao động đầy cạnh tranh mà Gen Z đã phải đối mặt trong những năm gần đây.
Nhiều bạn trẻ đang tận dụng tất cả thời gian đó bằng cách chấp nhận những cơ hội có tính rủi ro cao. Một cuộc khảo sát nhỏ của E-Trade vào năm 2021 cho thấy, 70% thế hệ trẻ ở Mỹ cho biết khả năng chấp nhận đầu tư rủi ro của họ đã tăng lên trong vòng 3 tháng qua.
Ngoài ra, các nhà đầu tư trẻ sẵn sàng đặt tiền vào các tài sản rủi ro đi kèm với biên độ dao động lợi nhuận lớn, giao dịch thường xuyên và tự tin hơn so với trước đại dịch.
Kết luận
Bất chấp những sự khác biệt này, có những nguyên tắc nhất định về lập kế hoạch nghỉ hưu sẽ không bao giờ thay đổi.
Bà Stern nhận định: "Bất kể nhóm tuổi nào, để xây dựng một kế hoạch hưu trí ổn định, thấu đáo cần đòi hỏi tính kỷ luật cao. Baby Boomer và Gen Z đều có thể giành chiến thắng, đạt được mục tiêu của mình bằng cách tận dụng tối đa mối quan hệ với người sử dụng lao động và tiết kiệm sớm để thu được lợi ích kép".