Nữ triệu phú gốc Việt lên kế hoạch nghỉ hưu sớm: Bí quyết là gì?
(Dân trí) - Mia Phạm đang sở hữu 1 triệu USD và lên kế hoạch nghỉ hưu trong 6 năm tới. Mia là một người ủng hộ phong trào FIRE (độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm).
Mia Phạm, 38 tuổi, một nữ triệu phú gốc Việt, hiện đang là nhân viên công chức liên bang tại Mỹ. Cô có dự định cùng chồng nghỉ hưu vào tháng 6/2027. Khi đó, hai vợ chồng sẽ đi du lịch khắp thế giới cùng hai con.
Họ lên kế hoạch sống bằng danh mục đầu tư của mình trong khoảng 20 năm đầu tiên. Sau đó, cả hai sẽ tận dụng lương hưu được trả khi họ 62 tuổi. Mia cho rằng, đó là một kế hoạch an toàn.
Khi mới bắt đầu đi làm, Mia có thu nhập khoảng 38.000 USD/năm (hơn 860 triệu đồng). Là một nhân viên liên bang, lương của cô dựa trên thang hệ số được quy định. Mia luôn phấn đấu để đủ điều kiện tăng lương mỗi năm. Hiện nay, lương của cô đã lên đến sáu con số (đơn vị USD).
Kể từ khi thực hiện FIRE (viết tắt của "Financial Independence - Retire Early", nghĩa là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm), Mia Phạm đã tiết kiệm được hơn 1 triệu USD (22,7 tỷ). Con số trên được xem là ấn tượng khi Mia có hai con và sống ở San Diego - một thành phố có chi phí sinh hoạt cao.
Số tiền trên của cô hoàn toàn tách biệt với chồng. Nếu tính vào, tổng tài sản của hai vợ chồng sẽ gần 2 triệu USD (45,4 tỷ).
Sau những lần các con nhập viện, Mia đã nung nấu mong muốn sớm tiến tới độc lập tài chính. "Những ưu tiên trong cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều sau những sự cố vì nó khiến tôi và chồng nhận ra rằng cuộc sống mong manh như thế nào", cô giải thích.
"Thời gian chúng ta dành cho gia đình quan trọng và đáng giá hơn những gì chúng ta tiêu tiền khi còn trẻ", triệu phú 38 tuổi nhấn mạnh.
Hiện nay, gia đình Mia Phạm chi tiêu và tích lũy có chiến lược. Cô vạch ra hai điều quan trọng để tiến tới độc lập tài chính và nghỉ hưu trong 6 năm tới:
Xem trọng đầu tư
"Ở trường trung học, tôi đã quan tâm đến tài chính cá nhân, nhưng không có ai hướng dẫn, chỉ cho tôi cách thực hiện", Mia Phạm nói tài chính cá nhân lúc đó chỉ là những khái niệm lý thuyết.
Cho đến khi cô học kế toán tại trường đại học, lý thuyết mới trở thành thực tế. Như một bài tập, giáo sư yêu cầu các sinh viên điền vào đơn xin nhận tiền từ quỹ hưu trí, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư. Từ đó, Mia tìm hiểu sâu hơn về cách đồng tiền vận hành.
"Tôi lớn lên trong một gia đình nhập cư và tôi là người đầu tiên học đại học. Vì vậy, chưa có ai trong gia đình tôi từng đầu tư vào cổ phiếu. Mẹ tôi còn cho rằng đó là trò cờ bạc", cô nói.
Trong năm đầu tiên, Mia chưa thể đầu tư quá nhiều tiền. Theo thời gian, cô đã tăng các khoản tiền góp vào đầu tư. Tính đến nay, cô tin rằng khoảnh khắc bản thân hiểu về sức mạnh của lãi suất kép là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhất đến thành công hiện tại.
Mặc dù đã đầu tư trong nhiều năm, nhưng phải đến năm 2017 khi được biết về phong trào FIRE, cô mới tăng đáng kể số tiền cho hoạt động này. Mia và chồng đã tiết kiệm để mua một ngôi nhà. Tuy nhiên, khi quyết định nghỉ hưu sớm, họ đã nhanh chóng thay đổi chiến lược của mình.
Cô giải thích: "Khi chúng tôi nhận ra rằng cổ phiếu thường tốt hơn bất động sản, ngoại trừ giai đoạn đại dịch, chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà nhỏ hơn".
Bằng cách này, họ đã có nhiều tiền để đầu tư hơn. Mia bắt đầu bằng cách rót tiền tối đa vào các tài khoản hưu trí. Sau đó, cô sẽ tích lũy vào tài khoản môi giới. Cô chủ yếu đầu tư vào các quỹ chỉ số và nắm giữ cổ phiếu của các tập đoàn lớn.
Mia giữ cho các khoản đầu tư của mình được sắp xếp hợp lý và đơn giản bằng cách tự động hóa hầu hết khoản đóng góp. Cô cài đặt lệnh tự động chuyển tiền vào các kênh đầu tư mỗi khi nhận lương. "Đầu tư càng nhiều càng có kỷ luật", Mia tin rằng tự động hóa sẽ giúp cô thực hiện dễ dàng hơn.
Hạn chế chi tiêu
Việc mua một ngôi nhà nhỏ hơn đã giúp Mia có thể đầu tư nhiều tiền hơn, nhưng gia đình cô vẫn chọn cách sống dưới mức lương của họ. Từ đó, hai vợ chồng có thể đầu tư nhiều hơn nữa.
Họ hiếm khi đi ăn nhà hàng và chọn tham gia potluck (tiệc ăn chung, mỗi người tham dự góp một món ăn bất kỳ). Gia đình cô lái chiếc Toyota RAV4 2005 đã mua từ năm 2012 với giá khoảng 8.000 USD (khoảng 182 triệu đồng). Họ tận dụng các địa điểm công cộng miễn phí như thư viện, bãi biển... để giải trí cho con cái.
Không chỉ tránh bội chi, Mia còn giảm tối thiểu các khoản chi tiêu. Cách đây hai tháng, khi chiếc bếp 10 năm tuổi bị hỏng, thay vì mua một cái mới họ đã tự tìm cách sửa chữa. Mia sử dụng Google để chẩn đoán sự cố, mua bộ phận thay thế với giá 90 USD trên Amazon và dùng YouTube để tìm hiểu cách thay thế bảng mạch.
Mỗi khi cảm thấy bản thân chi tiêu quá thoải mái, việc theo dõi giá trị tài sản ròng đã giúp Mia Phạm tập trung hơn. "Tôi có thói quen này từ năm 2017 - khi tôi bắt đầu "FIRE". Nhờ đó, tôi có thể nhìn rõ hơn mục tiêu mà bản thân đang hướng tới", cô nói.