Từ ảnh SVTN đội mưa, ngẫm về tư duy "làm tình nguyện"
(Dân trí) - Cùng thời điểm Hà Nội mưa to sau giờ thi môn Vật lý, đội sinh viên tình nguyện (SVTN) Đại học Thuỷ lợi nhanh nhẹn mặc áo mưa, dàn hai hàng ngang phân luồng giao thông, trong khi ở một điểm thi khác SVTN đội mưa lập hàng rào chắn trước cổng trường.
Câu chuyện của hai bức ảnh
Cảnh SVTN trường Đại học Thủy lợi mặc áo mưa phân luồng giao thông sau giờ thi.
Hai bức ảnh này được phóng viên Dân trí chụp cùng thời điểm là cuối buổi thi môn Vật lý - kỳ thi THPT Quốc gia vào ngày 3/7, tại hai điểm thi khác nhau.
Bức ảnh thứ nhất đã khiến rất nhiều độc giả xúc động vì tinh thần hi sinh, đội mưa để hoàn thành nhiệm vụ của các SVTN. Còn bức ảnh thứ hai ghi lại cảnh sinh viên tình nguyện (SVTN) trường Đại học Thủy lợi đang phân luồng giao thông sau giờ thi.
Tại điểm thi trường Đại học Thủy lợi, sớm 10 phút trước khi hết giờ làm bài thi môn Vật lý, trời đã bắt đầu đổ mưa to. Lúc này, các thành viên đội SVTN trường Thủy lợi đã đem ra những chiếc áo mưa, chia cho từng người mặc, sau đó các bạn vào vị trí chờ đón thí sinh ra khỏi phòng thi. Công tác chuẩn bị cứ luôn đều đặn như vậy, cho dù là trời nắng hay trời mưa, suốt 4 ngày thi căng thẳng.
"Những chiếc áo mưa này do đội em chuẩn bị từ trước. Chúng em đã dự trù và đề phòng mọi tình huống về thời tiết nên đã mua sẵn những chiếc áo mưa này, cùng với mũ, ô dù che nắng, quạt mát. Đội chúng em cũng được phòng y tế của nhà trường chuẩn bị cho một số loại thuốc như: thuốc cảm, thuốc say xe, say nắng và bông băng sơ cứu... Mọi kinh phí do nhà trường tài trợ.
Gần 200 con người của đội chúng em không chỉ là những người biết cống hiến mà còn biết bảo vệ chính mình khi thực hiện nhiệm vụ", bạn Vương Đình Khánh, đội trưởng đội SVTN trường Đại học Thủy lợi chia sẻ.
Tư duy làm tình nguyện: cần khoa học và kỷ luật
Nói về tai nạn đáng tiếc của ba nữ sinh Đại học Ngoại thương, đội trưởng đội SVTN Vương Đình Khánh cho hay: "Em cảm thấy sốc khi biết tin và rất thương ba bạn nữ sinh bị thiệt mạng. Các bạn ấy cũng trạc tuổi như em, cũng hăng hái tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Qua sự việc đáng tiếc như thế này, em nhận thấy chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, những người làm lãnh đạo hoạt động tình nguyện cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa về tinh thần kỷ luật cho SVTN và mở rộng những đợt tập huấn cho các bạn tình nguyện viên, đặc biệt là tập huấn kỹ năng xử lý những trường hợp khẩn cấp.
Đồng thời, SVTN cũng phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của tổ chức, không qua quýt trong những đợt tập huấn trước chiến dịch bởi chính những kiến thức được tập huấn sẽ là "phao cứu sinh" cho các bạn trên đường làm nhiệm vụ".
Cùng chia sẻ về cách thức tổ chức hoạt động tình nguyện sao cho hiệu quả và an toàn, anh Hoàng Hiệp - người đoạt Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013 - Chủ nhiệm câu lạc bộ Tình nguyện xứ Thanh nói: "Hoạt động tình nguyện đã mang lại cho tôi rất nhiều ý nghĩa và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tổ chức hoạt động cho một tập thể.
Tuy rằng là hoạt động tự nguyện nhưng phải có kế hoạch khoa học, có quy định rõ ràng để mỗi thành viên biết được mình phải làm gì, làm việc đó ra sao và làm thế nào cho hiệu quả, an toàn.
Tôi kể câu chuyện như việc CLB chúng tôi thực hiện chuyến tình nguyện lên các huyện miền núi ở Thanh Hoá, là một vùng có điều kiện đi lại khó khăn nên tôi yêu cầu tình nguyện viên phải có một số kĩ năng sống nhất định, đủ điều kiện sức khỏe để tham gia.
Trước khi tiến hành, CLB phải tổ chức các buổi thực hành hướng dẫn cho các thành viên, cách sơ cấp cứu khi gặp tai nạn, đuối nước. Khi vào thực tế làm việc thì tôi yêu cầu các thành viên phải tôn trọng kỷ luật. Bởi vì thành viên đa số là sinh viên nên việc đưa các em đi làm tình nguyện cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Là người chịu trách nhiệm, tôi luôn đặt lên cao nhất vấn đề an toàn cho tình nguyện viên".
Đừng dập tắt "lửa" tình nguyện
"Nếu bây giờ ai đó bảo em không nên đi làm tình nguyện nữa thì điều đó hoàn toàn sai lầm. Tình nguyện là nhiệm vụ ý nghĩa, giúp đỡ những người cần được giúp đỡ chứ không phải là hoạt động vui chơi. Đừng vì một trở ngại nào đó mà dập tắt "lửa" tình nguyện", đội trưởng Vương Đình Khánh nói.
"Lửa tình nguyện không bao giờ tắt", đó là điều dễ thấy nhất trong những câu chuyện của những bạn sinh viên đang miệt mài với hoạt động tình nguyện, cũng như sự âm thầm đóng góp sức mình vào phong trào tình nguyện nói chung.
Bạn Chu Thương Minh Trang (sinh viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) là người đã tham gia hoạt động Tiếp sức mùa thi đến năm thứ 3. Trong kỳ thi lần này, Minh Trang là một trong những tình nguyện viên chương trình "Cùng em đi thi" của Thành đoàn Hà Nội, hỗ trợ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi THPT Quốc gia.
Trang cho biết, trong suốt 3 năm đại học, không năm nào Trang không tham gia hoạt động tình nguyện mùa hè. Năm ngoái, Trang cùng với Đoàn trường Y dược cổ truyền hỗ trợ các thí sinh tại điểm thi ở trường nên đã có nhiều kinh nghiệm.
Trang nói: "Là sinh viên học ở Hà Nội đã mấy năm nên em đã có kinh nghiệm sống cũng như học tập cho nên việc hỗ trợ cho các bạn sẽ có thuận lợi nhất định.
Bên cạnh đó, em cũng đã từng là thí sinh được các anh chị TNV giúp đỡ rất nhiệt tình nên em muốn tiếp tục giúp đỡ cho nhiều bạn khác giống như em trước đây. Em muốn giúp các bạn có tinh thần thoải mái nhất để tự tin khi vào phòng thi, bởi khi mà mình tự tin thì sẽ có kết quả làm bài tốt nhất".
Bạn Nguyễn Trác Tuấn Anh được mệnh danh là tình nguyện viên "tí hon" của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm nay 23 tuổi, Tuấn Anh chỉ cao 1m40, nặng 30kg. Dáng người bé nhỏ khiến cuộc sống, việc học của Tuấn Anh cũng gặp nhiều khó khăn.
Lên ĐH sống trong KTX, Tuấn Anh cũng chẳng thể dễ dàng treo được đồ lên dây phơi như các bạn… nhưng cậu vẫn nộp đơn đăng ký vào đội SVTN trường Đại học Bách khoa.
Tuấn Anh nói: “Vẫn biết rằng công việc tình nguyện đòi hỏi thể lực tốt, nhưng mình vẫn quyết tâm tham gia và hoàn thành nhiệm vụ. Ở đội SVTN Bách khoa, không chỉ có mình mà còn rất nhiều bạn khác, kể cả bạn nữ cũng có ngoại hình “thấp bé nhẹ cân” nhưng vẫn rất hăng hái đó thôi. Sức trẻ, khát khao cống hiến cho các hoạt động cộng đồng là động lực lớn nhất để chúng mình có thể vượt qua mọi trở ngại”.
Ở đội của mình, Tuấn Anh được giao những công việc phù hợp với khả năng của bạn. Bạn rất tự hào vì được đóng góp sức mình cho cộng đồng, làm công việc giúp đỡ các thí sinh giống như chính bạn đã từng được giúp đỡ vài năm trước.
Còn rất nhiều việc làm ý nghĩa khác sinh viên tình nguyện trong mùa hè này, xã hội ghi nhận và biết ơn các bạn vì tinh thần cống hiến hết mình ấy.
Mai Châm