Trào lưu “gap year” của giới trẻ dưới góc nhìn chuyên gia (Kỳ 3)

(Dân trí) - Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (GĐ chiến lược trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) đã đưa ra quan điểm, góc nhìn thú vị về trào lưu “gap year” của các bạn trẻ.

Lượng người trẻ Việt “gap year” đang ngày càng tăng. Thầy có suy nghĩ gì về xu hướng này?

 

Đây được xem như một xu hướng táo bạo cho những người trẻ bản lĩnh và năng động. Ngày từ xa xưa, ông bà ta đã có câu nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là như vậy.

 

Bên cạnh đó, bạn trẻ có cơ hội xác định lại kỹ hơn con đường mình đã chọn. Đừng để học đến năm ba rồi mới thấy không phù hợp và bỏ ngang (hiện tượng này khá nhiều). Thà đứng lại để suy nghĩ thật kỹ còn hơn là nhắm mắt vội bước con đường mà bạn không chắc nó sẽ dẫn về đâu. Đã có nhiều trường hợp qua 1 năm “được trì hoãn”, có bạn đã tìm thấy ngành đam mê đích thực của mình.

 
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ về trào lưu gap year của bạn trẻ Việt.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ về trào lưu "gap year" của bạn trẻ Việt. (ảnh: Lê Hải Nam)
 

Có ý kiến nếu áp dụng “gap year” một cách đúng đắn sẽ có những “điểm cộng” nổi trội mà không trường lớp nào có được. Vậy những điểm cộng đó là gì thưa thầy?

 

Thứ nhất, bạn sẽ mở rộng tầm mắt theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Khi bước chân ra nước ngoài, bạn sẽ thấy các luật lệ và phong tục tập quán, văn hóa rất khác so với nước mình. Nếu đến một đất nước tốt đẹp hơn, bạn sẽ học hỏi để cải thiện đất nước mình. Còn chẳng may đến một đất nước có mặt “tệ” hơn, bạn sẽ học để yêu Tổ quốc mình.

 

Thứ hai, bạn sẽ tìm được chính mình, biết chính xác bản thân có những năng lực gì để có thể rèn luyện và phát huy. Học được khả năng tự lập và chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.

 

Thứ ba, hình thành những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội quan trọng trong cuộc sống: giao tiếp, thuyết phục, định hướng (khả năng quan sát, cảm nhận), ra quyết định, làm việc nhóm, thoát hiểm… thông qua các tình huống phát sinh thực tế.

 
Huyền Chip - gương mặt gap year đình đám.
Huyền Chip - gương mặt "gap year" đình đám.
 

Theo thầy, giới trẻ Việt Nam có nên “gap year” không?

 

Tôi nghĩ là hoàn toàn nên bởi lẽ mỗi lần đi, mỗi lần “bước ra” sẽ để lại cho chúng ta nhiều trải nghiệm thật thú vị, đôi khi chỉ là sự tình cờ nhưng đó sẽ là cơ hội cho những bạn trẻ năng động, biết khát vọng và có niềm tin.

 

Khi chúng ta quyết định xách ba lô lên và đi, “mở nắp” tâm hồn và sẵn sàng bước ra, sẵn sàng đón nhận và chia sẻ mọi thứ với những người xung quanh, với thế giới bên ngoài, bạn sẽ thấy mình thật “khác”.

 

Bước ra ở đây có thể hiểu là bước ra khỏi nhà của mình, bước ra khỏi thành phố mình đang sống, khỏi quốc gia mình đang ở hay chỉ đơn giản là bước ra khỏi chính “vỏ ốc” của mình. Bạn đừng để mình nhàm chán với mọi thứ, hãy mở rộng tâm hồn và tầm mắt của mình, bạn sẽ thấy nhiều điều mới lạ và thú vị đến bất ngờ.

 

Ở Việt Nam, việc học sinh sau khi tốt nghiệp THPT bỏ dở một thời gian, trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh vẫn là chuyện khó chấp nhận. Vậy người trẻ cần làm thế nào để nhận được sự ủng hộ?

 

Khi có trong tay một bản kế hoạch và hành trình thật chi tiết, cụ thể - là điểm lợi thế của bạn để có thể thuyết phục phụ huynh. Hãy nói với họ đây là trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời bạn và thực hiện nó không ngoài việc giúp ích, chạm đến thành công cho công việc cùng cuộc sống tương lai.

 
Trần Hùng John và những trải nghiệm khó quên tại Việt Nam.
Trần Hùng John và những trải nghiệm khó quên tại Việt Nam.
 

Người trẻ muốn "gap year" thì cần lưu ý những điều gì, thưa thầy?

 

Thứ nhất, hãy định vị chính mình: Tương tự như việc bị lạc trong một mê cung, để xác định phương hướng, điều đầu tiên bạn phải biết rằng bạn đang ở “tọa độ” nào

 

Tự đặt ra, suy nghĩ thật kỹ và trả lời thấu đáo cho những câu hỏi: “Tôi là ai” , “Tôi có những khả năng gì?”, “Tôi muốn mình sẽ trở thành người như thế nào?”, “Những điều gì trong cuộc sống mà tôi muốn đạt được?”, “Điều gì là quan trọng nhất đối với tôi?”. Khi bạn biết chính xác điều bạn muốn trong cuộc sống, bạn sẽ biết cần đi đâu và làm gì để đạt được chúng.

 

Thứ hai, hãy xác định hướng đi: Một cuộc hành trình mà không có tấm bản đồ thì xem như bạn chỉ có thể luẩn quẩn và không biết sẽ đi đâu, về đâu.  Hãy lập kế hoạch thật cụ thể, hãy khảo sát thật kỹ càng những nơi mà mình muốn tới, những ai mà mình muốn gặp, những công việc nào mà mình muốn trải nghiệm. Hãy tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước, tìm hiểu về văn hóa địa phương cũng là một trong những điều quan trọng.

 

Thứ ba, hãy chuẩn bị một chiếc máy ảnh và một cuốn sổ tay, để ghi chú lại tất cả những điều thú vị và có ích cho bạn trong suốt quá trình trải nghiệm. Bạn hãy nên nhớ, đây không phải là một chuyến “du lịch” đơn thuần, nó chính là một chuỗi những bài học cuộc sống phong phú, sống động và những ai thành công là những người biết vận dụng nó cho công việc và cuộc sống sau này của mình.

 

Thứ tư, chuẩn bị nguồn tài chính hoặc những công việc trong suốt quá trình “gap year” cũng là điều cần lưu ý. Hãy liệt kê tất cả những khả năng và những công việc bạn có thể làm để có đủ kinh phí trang trải và phục vụ cho “một năm được trì hoãn”. Điều này cũng góp phần làm phong phú hơn hồ sơ kinh nghiệm của bạn.

 

Thứ năm, hãy liệt kê những nguồn lực có thể hỗ trợ và đồng hành với bạn. Điều này sẽ giúp bạn biết gõ cửa và tìm đến đâu khi có thể gặp sự cố ngoài ý muốn.

 

Thầy nghĩ sao về nhận định: “Nếu không khéo, “gap year” qua đi sẽ để lại những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng và nhất là bào mòn sự tự tin trong bạn trẻ khi quay lại nhịp sống thường”?

 

Với những bạn nào thực hiện “gap year” như điều kiện để ăn chơi, giải trí và hưởng thụ thì chắc chắn sẽ dẫn đến những kết quả không như ý muốn. Bất kỳ công việc nào cũng đều cần triển khai và thực hiện “đúng hướng, đúng cách” mới có thể mang lại những kết quả tích cực.

 

Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ quý báu trên.

 

Hoàng Dung