Trải nghiệm “gap year” của bạn trẻ “Tây” tại Việt Nam (Kỳ 2)
(Dân trí) - Là những cô gái sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, họ đã có một hành trình “gap year” đáng nhớ với nhiều khám phá, trải nghiệm tại Việt Nam thông qua công việc tình nguyện viên (TNV).
Fanny Plateau (20 tuổi, đến từ Paris, Pháp), sau khi học xong cấp 3 đã gác lại việc học đại học để sang Việt Nam “gap year” trong vòng 4 tháng. “Mình muốn khám phá những gì khác biệt với nếp sống vốn có của bản thân”.
Lý giải về điểm đến Việt Nam, Fanny cho biết: “Mình muốn biết thêm về đất nước này, không phải như khách du lịch mà là tình nguyện viên với mong muốn được coi là một người Việt và giúp đỡ người khác”.
Fanny tự khám phá Hà Nội qua những TNV cô gặp, nhờ đó có được “chuyến đi lớn nhất, trải nghiệm lớn nhất của cuộc đời”. Đã quen với việc ở bên gia đình, bạn bè nên cô gặp khó khăn khi lần đầu tiên xa người thân.
Fanny chia sẻ: “Mình đã đối mặt với nó bằng cách gặp nhiều con người mới và giờ vẫn nhớ họ vì đã giúp bản thân đối mặt với sự cô đơn. Mình từng sợ hãi vì không thể nói được tiếng Việt nhưng cuối cùng mọi thứ dễ hơn với những gì từng nghĩ”.
Công việc của Fanny là dạy tiếng Anh, giao lưu, nấu cơm cho trẻ em ở một trung tâm tình nguyện. “Trải nghiệm ở trong 3 tháng ấy rất tuyệt vời, giúp mình có thể biết nhiều hơn về Việt Nam, người dân nơi đây. Lúc đầu, mình thấy vui khi trở về Pháp bên người thân nhưng sau đó lại buồn vì phải xa bạn bè ở Việt Nam”.
Fanny Plateau (trái) cùng một em học sinh nơi cô làm tình nguyện.
Phương Dung (20 tuổi, đang là SV trường ĐH HTW Berlin, Đức) sinh ra và lớn lên tại Berlin, Đức đã “gap year” một năm sau khi học hết cấp 3. “Mình nghĩ thời điểm đó rất phù hợp cho gap year vì chưa thực sự biết nên học tiếp cái gì.
Bên cạnh đó, mình là người luôn thích khám phá và trải nghiệm những điều mới, thích đi du lịch, tìm hiểu về các quốc gia khác, nền văn hóa và con người của họ, nhờ đó mở rộng chân trời tư duy. Vì vậy, gap year là kế hoạch rất rõ ràng mà mình sẽ thực hiện sau khi kết thúc trung học”, Dung nói.
Ý tưởng này được gia đình đồng ý nên Dung đã nhanh chóng chuẩn bị cho chuyến đi. Bố mẹ là người Việt nhưng khả năng nói và nghe ngôn ngữ này chưa thành thạo nên với Dung, đây không phải là điểm đến đầu tiên lựa chọn để gap year. Song hành trình đó đã mang đến cho cô bạn nhiều trải nghiệm quý giá.
Khi đến Việt Nam, Dung đã bị mắc kẹt tại TP. Hồ Chí Minh và may mắn gặp một khách du lịch đến từ Đức nên cùng nhau tham quan, ăn uống…Trước khi hoạt động tại trung tâm tình nguyện tại Hà Nội, cô bạn còn có cơ hội trải nghiệm một số hoạt động thú vị: tham dự đám cưới đầu tiên tại Việt Nam và lớp học vovinam.
Khi tham gia tình nguyện, Dung có thêm nhiều bạn mới – sinh viên Việt Nam, cùng hoạt động dịp Tết và dành thời gian thực hiện những chuyến đi vào cuối tuần. Dung chia sẻ: “Mình cảm thấy thực sự rất vui và thú vị vì bản thân có thể hòa nhập với cuộc sống nơi đó, gặp gỡ nhiều người dân địa phương. Mình cũng hạnh phúc khi quen biết với sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau”.
Dung cho biết, những người cô gặp trên đường đã tạo ra một ấn tượng đặc biệt, kể cả…người xấu. Đối với Dung, Gap Year còn là khoảng thời gian trải nghiệm để trưởng thành. “Khi quay về Đức, mình thấy bản thân đã thay đổi trong cách nhìn, quan điểm sống. Bên cạnh đó, mình còn khám phá ra được nhiều điều trước đây chưa từng nghĩ tới”.
Một năm Dung làm tình nguyện ở Youth Center nhưng không phải là một chặng đường thẳng tắp từ Đức đến Việt Nam mà phải nhiều lần thay đổi kế hoạch. Cô từng dự định tình nguyện tại Campuchia 1 tháng nhưng bất thành.
“Mặc dù ban đầu mình không hài lòng vì điều đó nhưng sau đó đã nhận ra rằng, nó đã giúp bản thân trở nên linh hoạt và mạnh mẽ hơn”, Dung bày tỏ. Không chỉ vậy, sau một năm gap year, cô bạn đã được nâng cao hơn về kỹ năng mềm và ngôn ngữ.
Olivier Madore Millette (Canada) cũng từng có 3 tháng gap year ở Việt Nam. Trong thời gian ấy, Olivier ở trong một ngôi nhà người Mường ở xã Yên Mông, Hòa Bình, cùng các tình nguyện viên khác tổ chức buổi truyền thông, hỗ trợ các gia đình nghèo, giúp dân gặt lúa, dạy tiếng cho trẻ em, dọn dẹp làng xóm… Đó không phải là ngôi nhà tiện nghi mà cậu vẫn sống ở Canada và trong bữa ăn đầu tiên, phải làm quen với cách cầm đũa…
Tuy nhiên, đối với Olivier, chính khó khăn, thiếu thốn trong thời gian ấy đã giúp cậu học hỏi và trân trọng hơn những gì bản thân có được: “Khi phải sống khác đi, nhất là khi vất vả và khó khăn hơn, đó là cách tốt nhất để ta biết yêu cuộc sống hiện tại”.
Hoàng Dung