Tranh cãi việc thiếu nữ chụp ảnh Noel bên biển cấm chụp trên phố Hàng Mã

Mai Châm

(Dân trí) - "Ai cũng muốn chụp hình đẹp nhưng người ta mở tiệm để kinh doanh chứ không phải để các bạn kéo đến chen chúc chụp ảnh, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc".

Câu chuyện tạo dáng chụp ảnh bên cạnh những đồ trang trí Giáng sinh tại một cửa hàng trên phố Hàng Mã (Hà Nội) cùng tấm biển có nội dung: "Cấm chụp ảnh. Đọc được chữ đi hộ cái. Cám ơn!" đang trở thành tâm điểm dư luận, khi mùa lễ hội cuối năm đang đến rất gần.

Tranh cãi việc thiếu nữ chụp ảnh Noel bên biển cấm chụp trên phố Hàng Mã - 1

Hình ảnh cô gái chụp ảnh bên cây thông Noel có bảng cấm chụp ảnh ở phố Hàng Mã gây nên tranh luận trên mạng xã hội (Ảnh: chụp màn hình).

Văn hóa chụp ảnh

Từ lâu, Hàng Mã trở thành địa điểm lý tưởng dành cho bạn trẻ mỗi dịp lễ, Tết. Con phố này bày bán rất nhiều phụ kiện lấp lánh và tràn ngập không khí lễ hội. Vì thế, rất nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh "check-in" (tạm dịch: ghi nhận có mặt tại một địa điểm).

Là một người trẻ, nam sinh Nguyễn Hoàng Vinh cho biết phố Hàng Mã có không khí rất nhộn nhịp.

"Em và bạn gái mỗi dịp Giáng sinh thường lên phố Hàng Mã để mua đồ lưu niệm và chụp ảnh. Đây cũng là nơi kinh doanh nên bọn em thường chụp nhanh và đơn giản để khách hàng khác vào mua hàng.

Nhưng thực ra nên thông cảm với các tiểu thương. Thử đặt mình vào vị trí của họ, mới dọn hàng ra, chưa bán được món nào mà hết nhóm này đến nhóm kia kéo đến chụp ảnh, đứng chắn hết cửa hàng; chưa kể nhiều người còn thiếu ý thức, tự ý lấy đồ bày bán dùng làm đạo cụ chụp ảnh và vô tình làm hỏng. Việc phản ứng bằng cách treo biển cấm chụp ảnh, thu phí quay chụp là cách họ buộc làm vì sự tự do quá đà của khách hàng", Hoàng Vinh nêu ý kiến.

Tranh cãi việc thiếu nữ chụp ảnh Noel bên biển cấm chụp trên phố Hàng Mã - 2

Câu chuyện quen thuộc mỗi khi đến dịp lễ tại con phố này (Ảnh: Thanh Thúy).

Bạn Ngọc Anh cho hay: "Mình thấy nhiều bạn chụp ảnh trước cửa hàng của người ta rất lâu trong khi biết rằng có nhiều người đang đứng để chờ vào chụp. Nơi công cộng nên dù gì cũng phải tôn trọng và có ý thức để không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh".

Theo tìm hiểu của Ngọc Anh, ở Nhật Bản, người dân luôn tôn trọng không gian cá nhân của mỗi người và tránh tối đa việc chụp hình có thể gây ảnh hưởng đến người khác. Dù là người dân hay khách du lịch đều cần có hành xử văn minh nơi công cộng. Vậy nên. những chuyện cãi vã, đuổi khách hiếm khi xảy ra.

"Ở Việt Nam, nhiều người có vẻ tự nhiên thái quá, không có quy định cụ thể những nơi hạn chế chụp hình, quay phim nên không ai để ý đến; cũng chưa hình thành văn hóa xin phép trước khi chụp nên người ta bạ đâu chụp đó, coi đó như quyền tự do của mình. Đây là nét văn hóa chưa đẹp của một số người, tạo nên thói tùy tiện", bạn Ngọc Anh nhận xét.

Chị Ngọc Hương, giảng viên tại một trường đại học, chia sẻ về văn hóa chụp ảnh của bạn trẻ: "Tôi thấy bạn trẻ bây giờ hành xử chưa khéo léo. Ai cũng muốn chụp hình đẹp nhưng người ta mở tiệm để kinh doanh chứ không phải để các bạn kéo đến chen chúc chụp ảnh, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc.

Ông cha ta có câu: "Lời nói đâu mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một lời xin phép không mất nhiều thời gian, đổi lại chúng ta thể hiện thái độ tôn trọng với người bán hàng và ý thức của bản thân. Vì thế, bộ môn giáo dục công dân ở trường học là điều thiết yếu và nó là nền tảng ứng xử con người trong cuộc sống thường ngày mà ít ai quan tâm".

Ý thức là điều quan trọng

Dù tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng người dân cũng muốn hưởng ứng bầu không khí lễ hội này sau một thời gian ở nhà. Tuy nhiên, vì lo ngại khách chụp ảnh làm ảnh hưởng tới doanh thu, tiểu thương phố Hàng Mã vẫn treo biển không cho khách chụp ảnh. "Cấm chụp ảnh, đọc được chữ đi hộ cái" là nội dung tấm biển cấm khách được đặt trước một gian hàng gây chú ý. 

Thế nhưng, liệu có cơ sở pháp lý nào để người bán hàng đuổi khách chụp ảnh bên lề đường hay thu phí của họ? Chính điều này đã làm mâu thuẫn giữa hai bên kéo dài mãi mà không có hồi kết.

Bạn Nguyễn Trọng Hoàng Tú chia sẻ: "Mỗi lần Trung thu, Giáng sinh hay Tết, mình đều háo hức để lên Hàng Mã chụp ảnh và mua quà cho bạn bè, người thân. Nhưng nghĩ đến cảnh phải chen chúc, xô đẩy không khác gì chợ khiến mình không muốn đi nữa. Có lần lên đó, mình không thể chụp được ảnh mà còn bị ăn trộm nữa. Sau lần đó, mình cẩn thận hơn khi đi chơi nơi đông người dịp lễ".

Tranh cãi việc thiếu nữ chụp ảnh Noel bên biển cấm chụp trên phố Hàng Mã - 3

Phố hàng Mã đông đúc mỗi khi dịp lễ đến (Ảnh: Hoài Trang).

Bạn Nguyễn Thu Nga nêu quan điểm: "Chúng ta có thể quy định thời gian cho phép chụp ảnh, mỗi lần chụp tối đa bao nhiêu phút, giới hạn khoảng cách chụp để không xâm phạm vào khu vực bán hàng. Đồng thời, cần có lực lượng chức năng để giải quyết và quán triệt sự việc rõ ràng, cụ thể".

Không thể phủ nhận sức hút từ những hình ảnh đẹp và không khí lễ hội trên phố Hàng Mã. Đủ các loại, từ dây đèn, quả châu, cây thông hay những món lưu niệm nhỏ xinh đậm chất phố cổ khiến lượng khách đổ về đây rất đông.

Để gìn giữ và phát triển nét đẹp nơi đây, quan trọng vẫn là ý thức của người dân khi tham gia văn hóa chụp ảnh ở nơi công cộng. Điều này xuất phát từ tư tưởng, tính cách mà không thể nói là sẽ thay đổi được ngay. Cần có sự thấu hiểu giữa người mua và người bán để tạo ra không gian thoải mái trong ứng xử.