Tranh cãi về việc con dâu hất bay mâm cơm vì mẹ chồng nhắc rửa bát
(Dân trí) - Vì mẹ chồng nhắc nhở chuyện rửa bát và so sánh với con dâu nhà hàng xóm, cô con dâu trong clip hất bay cả mâm cơm, tuyên bố "không phải ôsin".
Mới đây, video một cuộc tranh cãi giữa mẹ chồng và con dâu về việc rửa bát sau bữa cơm đang được dư luận bàn tán xôn xao. Hai bên lời qua tiếng lại gay gắt. Mẹ chồng tỏ ý không hài lòng, so sánh cô với "con dâu nhà người ta". Cô con dâu cũng đôi co với mẹ chồng. Đỉnh điểm của sự việc, con dâu hất đổ mâm bát đĩa trước mặt mẹ chồng và người can ngăn.
Sau khi video được lan truyền, cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt việc ai đúng ai sai trong tình huống này. Nhiều người cho rằng, có thể video này chỉ là diễn xuất nhằm thu hút sự chú ý, nhưng cũng đáng để phân tích, suy ngẫm.
Hiện tại không còn video gốc trên mạng xã hội; tuy vậy, cư dân mạng vẫn bàn tán rất nhiều về chủ đề này.
Trong gia đình vẫn phải có tôn ti trật tự
Ngô Linh Chi (23 tuổi) nói: "Khi xem video này, mình vô cùng khó chịu. Trong vấn đề này, mình thấy cả mẹ chồng và con dâu đều sai. Xét về vai vế, con dâu có sai nhiều hơn. Về làm dâu, cái gì cũng đều phải học, không được thoải mái như ở nhà với bố mẹ. Tuy nhiên, việc cãi tay đôi với người lớn thì không thể bênh được. Bạn nữ có thể dùng cách nói khác để trả lời thay vì thể hiện thái độ như vậy trước mặt mẹ chồng; dù gì cũng gọi một tiếng mẹ xưng con.
Người mẹ chồng mang tâm lý giống như một bộ phận các vị phụ huynh khó tính thuộc thế hệ trước, nhìn thấy con cái ăn uống xong bát đĩa chưa dọn dẹp, ngồi nghịch điện thoại thì phản ứng khó chịu cũng rất dễ hiểu. Nhưng vì cảm xúc bực tức dẫn đến việc bác ấy nói chuyện không được thiện cảm".
Giang Thị Thanh Thảo (19 tuổi) cũng cảm thấy bất bình trước hành động của hai mẹ con.
"Trước hết, về phía con dâu, bậc làm con nhưng không ăn nói, xử sự đúng mực thậm chí là hỗn láo. Tuy nhiên, mẹ chồng cũng có cái sai. Mình vẫn cảm nhận được định kiến con dâu là phải "như này như kia" và so sánh với "con dâu nhà người ta" trong cuộc tranh cãi này".
Chị H (40 tuổi) khi xem được video trên cũng cảm thấy hành động, lời nói của cả hai mẹ con đều chưa ổn. Theo chị, người mẹ chồng này hơi khắt khe với con dâu và có phần cứng nhắc trong cách xử sự, còn người con dâu thì hơi tự do và cách đối đáp thể hiện nhận thức có giới hạn.
"Nếu đây là lần đầu sự việc này xảy ra, mẹ chồng nên thông cảm, cứ nghĩ rằng con dâu mình có việc cần phải giải quyết gấp. Còn nếu sự việc lặp đi lại thì nên góp ý thẳng thắn với con trên cơ sở xây dựng, giúp con dâu nhận ra vấn đề để tự sửa sai. Về phía con dâu, dù là thời đại nào, khi nói chuyện với người lớn không nên to tiếng, cần lễ phép. Nếu có mâu thuẫn thì nên đối thoại nhẹ nhàng, lịch sự", chị H bày tỏ quan điểm.
Chị H nói thêm: "Mặc dù tư tưởng mẹ chồng - nàng dâu bây giờ cũng cởi mở hơn xưa, nhưng theo tôi thì vẫn phải có chuẩn mực nhất định. Trong gia đình cần có sự chia sẻ và thấu hiểu, để khi có mâu thuẫn sẽ dễ bề giải quyết".
Sự phản kháng trói buộc nàng dâu hay sự vô giáo dục
Trước hành động hất đổ mâm bát đĩa, Linh Chi thẳng thắn chia sẻ: "Dù là cảm xúc nhất thời hay thiếu giáo dục đi nữa, hành động này của người con cũng là sai. Mình không có lời nào để bênh vực cho việc làm này được. Thái độ của bạn nữ một phần quyết định đến việc mẹ chồng sẽ đối xử ra sao. Mình không dùng từ "vô giáo dục" vì mình dành cho bạn ấy một sự tôn trọng. Trông bạn ấy khá trẻ, đi làm dâu và đối diện với mẹ chồng khó tính cũng không dễ dàng gì".
Chị H cho biết bản thân không thể chấp nhận được hành động đó. Theo chị, điều này thể hiện văn hóa, nhận thức của từng người.
"Dù rơi vào hoàn cảnh nào, mình cũng nên lựa chọn cách xử lý phù hợp. Trước cha mẹ, chưa biết đúng hay sai nhưng phận làm con là không được hỗn. Con cái có thể lựa chọn thời gian để trao đổi. Tốt nhất là nên đối thoại để hiểu nhau hơn. Cái gì đến từ trái tim sẽ đến trái tim nếu mẹ chồng, nàng dâu vẫn muốn tìm được tiếng nói chung", chị H nói.
Xem xét từ hành động, lời nói, Thanh Thảo đánh giá rằng người con này có phần hỗn láo, cư xử không đúng chuẩn mực. Tuy nhiên, chị vẫn thấy một chút ý thức phản kháng sự trói buộc hình ảnh "người phụ nữ trong xó bếp" của người con dâu.
Việc rửa bát có quá to tát để phải rạch ròi?
Đối với Đặng Thị Cẩm Hằng (24 tuổi), "việc rửa bát trong một gia đình không quan trọng bằng việc ý thức của mỗi người nhìn nhận vào việc đó. Thay vì bắt con dâu phải rửa bát, con trai cũng nên giúp đỡ, hoặc có thể chia sẻ bằng cách người này nấu ăn, người kia rửa bát, bởi việc gia đình là việc chung, không riêng vợ, riêng chồng hay của riêng bố mẹ".
Trong khi đó, Duy Anh (21 tuổi) cho rằng việc ai rửa bát, thay vì phân công như nghĩa vụ, nên có sự linh hoạt.
"Mình là sinh viên lên Hà Nội học tập, sống cùng bạn nên công việc này luôn được thay phiên, đỡ đần lẫn nhau. Thỉnh thoảng, nếu có tụ tập tại nhà bạn bè thì mình cũng sẽ sẵn sàng rửa bát để giúp đỡ mọi người. Cảm giác được chia sẻ thật sự rất vui mà", Duy Anh nói.
Đồng ý với quan điểm này, Hoàng Duy (21 tuổi) cũng cho rằng không cần phải phân chia rõ ràng việc rửa bát, vì bản thân mỗi thành viên đều có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau trong việc gia đình.
Hoàng Duy và em trai sau bữa ăn sẽ rửa bát, vừa để đỡ đần mẹ, vừa để rèn luyện thêm kỹ năng và học cách chia sẻ với mọi người xung quanh.
Hiện nay, nhiều gia đình xem việc bạn gái đến nhà chơi, hay ra mắt bố mẹ phải rửa bát sau khi dùng bữa xong là điều đương nhiên. Đây được mặc định như một tiêu chí để chọn con dâu.
Duy Anh không những thấy bất bình, mà còn cảm thấy thiệt thòi và áp lực cho các bạn gái. Theo anh, "điều quan trọng nhất để lựa chọn con dâu vẫn là quan sát và xem xét thái độ, tình cảm, cách cư xử của người con gái với bạn trai, với gia đình nhà bạn trai chứ không phải thông qua một việc làm nhỏ nhặt này".
Bên cạnh đó, Cẩm Hằng cũng không đồng tình với quan điểm này bởi không thể đánh giá bất kỳ một ai qua số hình xăm họ có, cách nói chuyện hoặc ngay cả việc chăm chỉ rửa bát.
Chị bày tỏ: "Khi về nhà chồng lần đầu tiên, mẹ chồng mình còn chiều mình hơn cả con trai. Mình phụ mẹ nấu nướng, sau đó, chồng và em gái sẽ rửa bát, chia sẻ công việc với nhau".
Hoàng Duy thẳng thắn phân biệt khi chưa chính thức cưới hỏi, chỉ đến ra mắt, người con gái vẫn ở vị trí là khách mời với gia đình. Gia đình nên thể hiện sự mến khách khi có người đến chơi và không thể lấy việc rửa bát làm tiêu chí để đánh giá họ được. Khi nhận được sự tôn trọng, các bạn gái sẽ cảm thấy thoải mái và muốn giúp đỡ để thể hiện phép lịch sự của mình chứ không cần ai ép buộc.