Tranh cãi "Kết hôn cần được cha mẹ đồng ý" trong giới trẻ Trung Quốc
(Dân trí) - Ý kiến xin cải cách quy định hôn nhân tại Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về sự đồng ý của cha mẹ trong quá trình xây dựng tổ ấm riêng.
Một đề xuất trên trang web chính thức của Bộ Nội vụ Trung Quốc ủng hộ việc đơn giản hóa giấy tờ đăng ký kết hôn đã tạo ra cuộc tranh luận lớn.
Câu hỏi gây tranh cãi nhất là: Có bắt buộc cần sự cho phép của cha mẹ trước khi kết hôn hay không?
Kể từ năm 2003, Trung Quốc quy định, công dân phải cung cấp cả giấy tờ tùy thân có ảnh do chính phủ cấp và sổ hộ khẩu khi đăng ký kết hôn.
Trong bình luận trên trang web, một công dân cho rằng, quy định khá vô lý. Anh cho rằng, giá trị pháp lý của giấy tờ tùy thân có ảnh là ngang bằng với hộ khẩu.
Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ghi nhận đề xuất này và bày tỏ ý định kiểm tra thêm.
"Nhiều bạn trẻ muốn kết hôn theo ý muốn của mình nhưng họ thường không thể cung cấp hộ khẩu do bị cha mẹ can thiệp, dẫn đến không thể kết hôn", một dân mạng viết.
Đồng tình với quan điểm trên, một người khác chia sẻ: "Điều này đi ngược lại nguyên tắc tự do hôn nhân được quy định trong hiến pháp. Nó cũng hủy hoại nhiều mối quan hệ, dẫn đến bi kịch".
Chỉ trong vòng vài ngày, một hashtag (từ khóa) liên quan trên Weibo về tự do hôn nhân đã thu hút hơn 340 triệu lượt xem.
Cuộc tranh luận diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang vật lộn với sự sụt giảm tỷ lệ sinh và kết hôn. Năm 2021, tỷ lệ kết hôn giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, với chỉ 11,58 triệu người kết hôn.
Phản đối ý kiến cho rằng quy định hiện hành vi phạm quyền tự do lựa chọn bạn đời của cá nhân, những người khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét ý kiến của cha mẹ và vai trò của cả hai gia đình trong quá trình kết hôn.
Theo quy định hiện hành, các cặp đôi dự định kết hôn phải thông báo cho chủ hộ, thường là cha mẹ của họ, để có được các giấy tờ cần thiết. Việc này dễ dàng đối với nhiều người, nhưng nó có thể đặt ra những thách thức khi một trong hai bên cha mẹ không đồng ý với cuộc hôn nhân.
Trong một trường hợp cụ thể được chia sẻ vào tháng 3, một dân mạng đã bày tỏ tình trạng khó khăn của mình khi mẹ cô đặt ra điều kiện cho cuộc hôn nhân.
Mẹ cô gái đã yêu cầu quà sính lễ là 400.000 nhân dân tệ (hơn 1,3 tỷ đồng). Người bạn trai không đủ khả năng đáp ứng nên mẹ cô từ chối cung cấp sổ hộ khẩu để đăng ký kết hôn. Cô gái và bạn trai không thể làm gì.
Trong một trường hợp khác nặng nề hơn, một phụ nữ ở Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) đã kiện cha mẹ mình vì vi phạm quyền tự do kết hôn của cô bằng cách giữ hộ khẩu. Sau quá trình tố tụng kéo dài vài tháng, tòa án địa phương ra phán quyết có lợi cho cô.
Dẫu biết rằng, cha mẹ lo lắng và muốn con cái có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc dài lâu. Nhưng không bởi vậy, cha mẹ có quyền cấm đoán, ngăn cản con kết hôn với người yêu thương.
Yang Baoquan - đối tác cấp cao tại Công ty Luật Zhong Yin ở Bắc Kinh, Trung Quốc - nói với China News Service: "Việc yêu cầu đăng ký hộ khẩu để đăng ký kết hôn có thể giảm thiểu tình trạng một vợ - một chồng và lừa đảo hôn nhân một cách hiệu quả".
Tuy nhiên, trước những lo ngại của cộng đồng mạng, Yang khuyến nghị hợp tác nhiều hơn giữa các cơ quan chính phủ. Điều này sẽ cho phép Bộ Nội vụ chỉ sử dụng giấy tờ tùy thân có ảnh để truy cập thông tin hộ khẩu của các cá nhân.